Tổng số lượt xem trang

20/09/2016

MỘT SỐ BÀI CŨ

(Kemerovo 2/9/1982)

Một chai rượu đế Bình Tây
Chia cho mấy chục chén đầy chén vơi
Cách xa một nửa khoảng trời
Nhớ về quốc khánh ở nơi quê nhà.

(Iscôi 2/10/1982)

Sớm nay tuyết đã rơi rồi
Iscôi trắng cả đất trời mênh mông
Quê nhà ta có lạnh không?
Mạ chiêm giữa giá, trời đông xót lòng

Bến Giác hình như chỉ để mơ
Nào ai đã gặp được bao giờ
Có không, không có nào ai biết
Nên nỗi trần gian vẫn cứ chờ.


Thiên chức trời ban khéo tự nhiên
Kẻ cao người thấp chẳng ưu phiền
Trăm năm chỉ một lần dương giới
Chớ có loanh quanh với bạc tiền.

(Nhớ về tướng quân Trần Khánh Dư)

Tiểu mãn đang về trắng cả sông
Nhạn Loan Cổ Độ rộng mênh mông
Xà lan ngược nước chờ lên bắc
Bè vó xuôi dòng đợi xuống đông
Nắng muộn vẫn vương trên bãi sậy
Sương chiều đã phủ mé đồi thông
Thuyền ai ẩn hiện vừa đi khuất
Để lại đôi bờ nước trống không

Đến cửa Huyền Thiên nắng đã nhòa
Khói trầm ngào ngạt tỏa bay xa
Nền xưa nắng đốt phơi son đỏ
Đường mới mưa chan nổi đá già
Ngọc Đế mở đường nơi Cảnh Giới
Phật Hoàng dẫn lối chốn Ta Bà
Câu kinh nhật tụng còn vang vọng
Ngàn ánh sao bay trắng Nguyệt Hà.


Vài đống gạch non xếp chẳng đầy
Thành Phao còn lại bấy nhiêu đây
Minh Hồ mấy bận tan bờ bãi
Lê Mạc từng phen nát cỏ cây
Sườn núi quanh co làn khói phủ 
Triền sông mờ mịt đám sương dầy
Cánh đồng làng Ngọc đang vào vụ
Rộn rã âm vang tiếng máy cầy

15/09/2016

THƠ 2016 III

Ngập chìm trong ánh hoàng hôn
Kỷ niệm xưa cứ bồn chồn trong tim
Mấy mươi năm cứ đi tìm
Quê hương ơi mãi đắm chìm nơi xa
Hãy cho ta một mái nhà
Dẫu tranh tre cũng nhạt nhòa vàng tơ
Hãy cho ta một tuổi thơ
Những trưa ngóng mẹ mà mơ đợi quà
Cho ta một gốc đa già
Một bờ giếng đất để mà thương yêu
Hãy cho ta những buổi chiều
Nghe vi vu tiếng sáo diều của cha

Ngày xưa mình ở ngoại thành
Có chân trong đám học hành được khen
Một lần ra phố làm quen
Mấy tay bảo “tẩm” í en í ờ
Đến hôm khảo thí giờ tờ
Lại nghe họ bảo “gà mờ” gặp may
Cho dù cũng cứ cầm tay
Vẫn nham nhảm gọi: vào đây “cua đồng”
Chén qua, chén lại lòng vòng
Mấy ông bạn phố “đỏ còng” lăn quay…
Bẩy mươi năm trở về đây
Vẫn vi vu chất “dân cầy” vậy thôi
Mấy ông “phó” mấy ông  “bồi”
Bắt tay mừng quá ôi ôi: “cua đồng”
Mắt nhìn đã hết lạnh lùng:
Văn chương hội thảo, cũng “khùng” vậy sao
Bên ngoài khối kẻ ước ao
Bên trong đâu biết sẹo “đào khắp lưng”
Da cam, mụn nhọt đang mưng
“Chiếu soi” mấy bận xem chừng chẳng xong
Chắc là sắp sửa “đi tong”
Vẫn cười, cười đủ mấy vòng … bắt tay
“Cua đồng” vừa mới về đây
Bố nào có dám cùng say thì vào


Em ơi thơ những ngày thường
Cứ chân thành cứ yêu thương nối lời
Núi non sông biển đất trời
Quê hương tổ quốc ngàn đời mến yêu
Thơ như làn gió trong chiều
Nâng hồn ta với cánh diều bay cao
Cất lên khúc hát xuân trào
Cất lên muôn tiếng đồng bào mến thương
Chép từ muôn vạn dặm đường
Chép từ muôn nẻo chiến trường gian lao
Chép từ đồng lúa xôn xao
Chép từ giàn giáo tầng cao công trường
Em ơi thơ những ngày thường
Ấm lòng nhau bởi tình thương những chiều

TRẦN QUỐC CHẨN

Chẳng tìm thấy miếu đền
Nhà xưa không còn nữa
Đôi trang ghi sự tích
Hỏi thăm càng thêm phiền

Họ đổi nhờ ban phúc
Vợ gán theo lệnh truyền
Của tiền đâu đến nỗi
Gia môn đâu có hèn

Chẳng hiểu vì sao cả
Toàn là chuyện chép thôi
Muốn tìm ra sự thực
Chỉ thấy thời gian trôi

Lấy vợ vua làm vợ
Lại đẻ ra vợ vua
Chẳng thể nào hiểu nổi
Ngài là được hay thua


Nhà em ở cạnh nhà anh
Tuổi thơ tôi cứ quẩn quanh đợi chờ
Anh đi bộ đội bao giờ
Làm tôi sưng đỏ hai bờ mi cong
Một ngày tôi cũng vào trong
Thành người chiến sĩ xung phong đắp đường
Hỏi thăm khắp hết chiến trường
Vẫn không tìm thấy người thương của mình
Bỗng đâu tin đến thình lình
Anh ra Đường Chín hy sinh mất rồi
Tưởng đâu sập cả bầu trời
Tưởng đâu tan hết cuộc đời thanh xuân
Thế rồi em được ra quân
Đứng bên mé cổng bao lần lặng im
Anh cười như cứa vào tim
Chào cô gái bé: con chim sẻ đồng
Sao không thấy má em hồng
Vài câu trêu ghẹo lòng vòng rồi ra
Giờ đây còn mỗi mẹ già
Vẫn trêu em nhận em là con dâu
Mười năm lâu đã thật lâu
Tự nhiên như gió từ đâu anh về
Bước chân sao thấy nặng nề
Cánh tay quân phục giắt về một bên
Chỉ còn đôi mắt thân quen
Nét tinh nghịch vẫn còn nguyên thuở nào
Đỡ anh từng bước đi vào
Ôi cô bé của năm nao …. vẫn còn


Lại sang tháng bẩy mưa ngâu
Cánh đồng giờ đã trải mầu biếc xanh
Em ngồi bên mái nhà gianh
Ngắm về xa vắng tình anh năm nào
Em chưa được cưới lần nào
Người yêu của lính có bao chuyện buồn
Đợi chờ thật đã héo mòn
Giờ em thành gái không con không chồng
Sớm mai vác cuốc ra đồng
Đêm đêm lững thững ra sông đợi đò
Nhớ năm nào cũng câu hò
“Anh ra tiền tuyến em chờ được không
Cho dù hết hạ sang đông
Người yêu của lính em không sợ gì”


Anh đã viết như ngày nào đã viết
Để vì em và cũng để vì anh
Đời từng trải với nhiều chua chát
Những câu từ chợt cũng mong manh.
Đã lâu rồi em có nhớ về anh
Đêm đông lạnh khói lò lên trắng xóa
Anh tha thiết má kề bên má
Cái hôn đầu em trao rõ là nhanh.
Có niềm vui nào sau cuộc chiến tranh
Người lính trở về quê hương yêu dấu
Quên mất mát, hy sinh xương máu
Nhờ một tình em bên mái nhà gianh.
Bốn chục năm rồi em có nhớ về anh
Buồn day dứt, chia ly năm ấy
Chỉ gặp được nhau từ trên trang giấy
Với đau buồn đôi mắt lệ vòng quanh.
Đêm nay đây em có nhớ về anh
Câu thơ viết thấm đầy chua chát
Ôi đôi mắt cứ như còn khao khát
Bao câu từ bay vút tận trời xanh.

(Trêu bà xã xệ)

Tôi gửi em về với mẹ em
Tóc thưa, răng rụng, mắt kèm nhem
Chẳng cần bao gói, hay chằng buộc
Chẳng có bao bì, chẳng có tem.
Tôi gửi em về với mẹ em
Lưng còng, chân trẹo, dáng hom hem
Không tiền, không bạc, không khăn áo
Lời nói thì khem, giấy cũng khem.
Tôi gửi em về với mẹ em
Tiễn đưa lạnh giá tựa như kem
Chỉ cho vừa đủ ba ngày chẵn
Đã nhớ chưa nào… nhắc lại xem (!)

BÂNG KHUÂNG TAM ĐẢO

Ai đi “Tam Đảo Ngũ Hồ”
Câu ca xưa cũ đâu ngờ vẫn đây
Bần thần mây vướng trong mây
Áo em ướt đẫm bàn tay của chàng
Ta nghe hơi ấm bên nàng
Hương quê ứa ngọt tràn sang môi hồng
Em trao hết cả nỗi lòng
Trắng đêm nay với một vòng tay ai
Mai rồi, mai những ngày mai
Bâng khuâng Tam Đảo cùng ai hẹn hò.

TÌNH YÊU TAM ĐẢO

Ta đi muôn bậc lên cao
Dáng ai thanh tú khuất vào trong mây
Ta nghe văng vẳng đâu đây
Tiếng chuông đền mẫu thắp đầy khói mơ
Chập chùng sao giữa hoang sơ
Núi non trải rộng vàng tơ nắng chiều.
Mắt ai thăm thẳm bao điều
Để cho anh phải đánh liều làm quen
Ngập ngừng anh nắm tay em
Môi ai thoang thoảng như men rượu nồng
Rừng xanh ai cấy, ai trồng
Bao la Tam Đảo ấm nồng hương quê
Chỉ mong đón được em về
Trái tim yêu mãi cận kề cùng nhau.

14/09/2016

HỘI THẢO TRẦN TẾ XƯƠNG VỚI THƠ ĐƯỜNG LUẬT

Đôi lời phi lộ
         Trên cơ sở thư mời hội thảo khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Phát huy văn hóa dân tộc, Hội thơ Đường luật Việt Nam và Hội Văn hóa nghệ thuật Nam Định ngày 5/7/2016 với đề tài: Tú Xương với thơ Đường luật Việt Nam. Là một người con của Nam Định luôn mong mỏi được tri ân với quê hương và đáp ứng thịnh tình các tổ chức nêu trên. Tôi đã viết bài: Trần Tế Xương - Người hình thành thơ cách luật Việt Nam. Bài viết có thể còn sơ sài rất mong các bạn có dịp ghé qua Lehoablog thể tình cho người viết.



VÀ XÃ HỘI GỬI CHO HẬU THẾ


Từ xưa đến giờ những người làm văn, làm thơ không ai là không có những phản ảnh về bản thân và xã hội đương thời qua tác phẩm. Trong nhiều bài viết về Trần Tế Xương cũng đã từng nói về điều đó. Đây chính là những nhân định ban đầu chứng minh cho quan điểm coi tác phẩm của ông như một Thông điệp văn học sử, phản ảnh về con người và xã hội trong giai đoạn Thực dân nửa phong kiến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trên đất nước ta.
Nhà thơ Trần Tế Xương, tên khai sinh là Trần Duy Uyên,  sinh năm 1870 tại Nam Định và mất năm 1907. Cuộc đời ông nằm gọn trong bước đầu cuộc xâm lược của thực dân Pháp và quá trình thực dân hóa của người Pháp trong nhiều năm sau đó. Đây là giai đoạn xã hội vô cùng bế tắc và nghiệt ngã trong thiết lập độc quyền của chế độ thực dân và cuộc vật lộn của chế độ phong kiến cố vớt vát chút quyền lợi trong sự tan rã tuyệt vọng.
Chứng minh cho điều này dường như chúng ta đã tìm thấy trong Trần Tế Xương tác phẩm. Chỉ cần mảng thơ luật Đường viết bằng chữ nôm của ông đã có thể dẫn ta đi tới sự tận cùng mọi tầng lớp con người và xã hội thời đó. Điều đặc biệt hơn đó là mỗi tác phẩm của ông đều chứa đựng sự phán xét cùng những kết luận sai, đúng giúp ta có những khái niệm đầu tiên về con người và xã hội đương thời. Những gì mà ông đề cập đến chính là sự thay đổi ghê gớm của các tầng lớp quan lại, thị dân đầu tiên dưới chế độ thực dân hóa ở chính nơi ông sinh ra và lớn lên. Bên cạnh đó là phản ảnh về sự dãy dụa của chế độ phong kiến thông qua hệ thống trường thi và tầng lớp sĩ tử trong đó có chính nhà thơ.
Cũng từ các nghiên cứu về Trần Tế Xương, đa số các tác giả đều cho rằng ông có trên 170 tác phẩm văn chương với nhiều thể loại. Trong đó có 123 bài thơ theo thể luật Đường viết bằng chữ nôm cùng với  83 bài dịch thơ Đường của các nhà thơ hàng đầu của Trung Quốc qua các thời kỳ. Trong số 123 bài thơ viết theo thể luật Đường, phần lớn các bài thơ đều là thơ trào phúng với giọng điệu phê phán đến nghiệt ngã nhưng vẫn luôn mang chất trữ tình trong thơ. Về nghệ thuật làm thơ của ông thật là điêu luyện trong cách dùng ngôn ngữ thơ và hình ảnh thơ cùng với sự chọn lọc đặc trưng của văn hóa dân tộc Việt Nam cách xa lối thơ Đường luật từ các thời đại trước đó.
Về phía tác phẩm, cũng như đã nói trên đây, Trần Tế Xương là người có chính kiến rõ rệt trong nhận định tốt và xấu. Ông thẳng tay phê phán bất kể là ai cùng với những trò hề thay đen đổi trắng mong cầu lợi cho mình, cho dù là vài đồng tiền phân bạc, đến chức vị quan lại béo bở với các thủ đoạn bòn rút bóc lột dân lành. Ông đã trào lộng đến tầng lớp cao nhất trong bộ máy cai trị thực dân như Quan sứ và mụ đầm, vợ ông ta cho đến tầng lớp thị dân vừa xuất hiện từ khi Pháp đến xâm lược nước ta.


Cùng với bút pháp điêu luyện của mình ông đã vẽ nên những hình ảnh vênh vang trơ tráo và lạc lõng của các quan thực dân

Cờ kéo rợp trời, quan sứ đến 
Váy lê quét đất, mụ đầm ra. 

Chẳng những thế, đến cả lính thực dân cũng ra oai người nhà nước hạch sách và làm tình, làm tội người dân đến mức quái dị và đê tiện:

Hà Nam danh giá nhất ông cò 
Trông thấy ai ai chẳng dám ho 
Hai mái trống toang đành chịu dột 
Tám giờ chuông đánh phải nằm co 
Người quên mất thẻ âu trời cãi 
Chó chạy ra đường có chủ lo 
Ngớ ngẩn đi xia may vớ được 
Phen này ắt hẳn kiếm ăn to


         Bên cạnh các thế lực ngoại bang là bè lũ quan lại người Nam vừa đớn hèn vửa trơ tráo giương mắt lên nhìn nỗi nhục mất nước. Đây cũng chính là cái tròng thứ hai thít chặt vào cổ người dân bằng mọi thủ đoạn thâm hiểm và ác độc.

Tơ tóc nỗi riêng thì xét nét 
Giang sơn nghĩa cả nỡ mần thinh 
Cổ cong mặt lệnh, người đâu thế  
Cái cóc bôi vôi khéo dại hình

Nhà thơ cũng kể ra cho ta thấy bộ mặt thật của bọn quan lại thời đó cùng với tệ nạn bài bạc, ăn chơi trụy lạc:

Ông về đốc học đã bao lâu, 
Cờ bạc rong chơi rặt một màu 

          Ông kể rõ những hình ảnh về bè lũ quan lại phong kiến tham lam tàn ác luôn bày đặt mưu sâu, kế hiểm, đưa người dân vào cái bẫy của chúng để rồi tha hồ vơ vét bóp nặn:

An Sơn tông giống người keo thực 
Bồ Thủy xưa nay của kiết à 
Đất nhị dễ thường lươn rúc ở 
Lửa nồng nên phải chuột đùn ra. 

Càng nhiều những bọn quan tham bỏ mặc chức phận miễn là có tiền vào túi:

Tri phủ Xuân Trường được mấy niên
Nhờ trời hạt ấy cũng bình yên
Chữ "thôi" chữ "cứu" không phê đến
Ông chỉ quen phê một chữ "tiền"

           Điều mà chúng ta thấy được càng tệ hại hơn đó là một nhà nước vô trách nhiệm trước các thiên tai lụt lội, hạn hán hết năm này qua năm khác. Ta những tưởng trong tình cảnh ấy có ai đó sẽ hợp mọi người lại để chung lo chống hạn. Nhưng rồi cũng chỉ có người dân hai tay trắng đứng ra lo cái không thể làm nổi.

Dạo này đá chảy với vàng trôi 
Thiên hạ mong mưa đứng lại ngồi 
Ngày trước biết gì, ăn với ngủ 
Bây giờ lo cả nước cùng nôi 

         Cùng với hạn hán là lụt lội mất mùa đói kém và rồi ốm đau, chết chóc, cũng từ đó là làm ghê sợ bao người:

Thử xem một tháng mấy lần mưa
Ruộng hoá ra sông cỏ vật vờ
Bát gạo Đồng Nai kinh chuyện cũ
Con thuyền Quý Tỵ nhớ năm xưa

Có lẽ ông mong lắm cái sự thay đổi của trời đất, nhưng trời đất nào có thể giúp được ông. Có chăng chỉ có thể là chính quyền nhà nước có can thiệp hay không mà thôi. Có một nghịch lý đó là cá kia cũng biết cách trốn chạy hạn hán “Cá sợ ao khô vượt cả rồi” và trâu kia cũng buồn vì lụt lội “Trâu bò buộc cẳng coi buồn nhỉ” còn con người lại chẳng thể tự liệu được cho mình. Thật là chua chát cho con người phải sống trong xã hội đầy đau khổ mà không thể thoát ra được.

IV. BỘ MẶT TẦNG LỚP THỊ DÂN

Cùng với những phản ảnh của nhà thơ về tầng lớp lãnh đạo xã hội bảo thủ và vô trách nhiệm. Bức thông điệp cũng cho ta thấy đây cũng chính là nguồn gốc sinh ra mọi băng hoại về đạo đức và lối sống của chế độ thực dân, nửa phong kiến lúc bấy giờ. Đây cũng chính là nguồn gốc đẩy tầng lớp thị dân đến chỗ sa đọa về đạo đức và lối sông mà nhà thơ đã điểm qua khắp lượt trong tác phẩm của ông. Đó là những người dân không còn vườn ruộng, cố gắng bám vào xã hội bằng cách mở nghiệp bán buôn và làm các dịch vụ phát sinh trong quá trình thực dân hóa. Cũng từ đây, tầng lớp những người sống bằng nghề buôn bán bắt đầu với những trò gian giảo, lừa đảo và giả dối:

Ai đấy ai ơi khéo hợm mình 
Giàu thì ai trọng, khó ai khinh 
Thằng Ngô mất gánh, say câu chuyện 
Chú lái nghiêng thoi mắc giọng tình 

         Cùng với những mánh lới ma mãnh sành sỏi nhằm tranh cướp khách hàng thu lợi cho mình bất chấp mọi thủ đoạn
         
Nước buôn như chị mới ăn người 
Chị thấy ai đâu chị cũng cười 
Chiều khách quá hơn nhà thổ ế 
Đắt hàng như thể mớ tôm tươi 

          Đặc trưng của nghề buôn bán cùng với những thủ đoạn đen tối dần hình thành để rồi mọi thứ đều được cân, đong, đo, đếm bằng tiền và có phải vì thế mà xã hội đã dùng tiền mua mọi thứ và đồng tiền đã khuynh đảo đến mức ghê gớm:

Giàu sang âu yếm tình quen thuộc 
Bần tiện thờ ơ dạ bạc đen 
Ví khiến trong tay tiền bạc có 
Nói dơi nói chuột chán người khen.

       Đến cái kết quả cuối cùng chính là cái miền quê thân mật ngày xưa không còn nữa. Những người cùng làng xóm, phố phường trở thành xa lạ. Cả đến những người thân trong nhà cũng biến thành thù, mất hết giá trị của nhân bản:

Nhà kia lỗi phép con khinh bố 
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng 
Keo cú người đâu như cứt sắt 
Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng 

         Cũng giống như những người dấn thân vào nghề buôn bán, những người làm các công việc dịch vụ cũng buộc phải bước vào cõi sống nhơ nhớp, hy sinh nhân phẩm để có một công việc làm kiếm sống. Họ cũng học thói giả dối, lừa lọc không khác kẻ buôn bán:

Mình nghĩ cô mình thực gớm ghê, 
Lòng son vẫn giữ nước non thề. 
Ra tuồng gái hoá khi còn trẻ, 
Như chuyện chồng xa lúc chửa về.

          Cũng từ những bế tắc trong sinh kế, con người rất dễ buông trôi trượt dài trên con đường trụy lạc. Ngoài nạn cô đầu, đĩ điếm, buôn gian, bán lậu, tệ trộm cắp, lừa đảo đã trở thành phổ biến. Người ta luôn thay đổi bộ mặt của mình để lợi dụng, lửa đảo để tồn tại. Có bao nhiêu người đàn bà: 

Nói nói cười cười theo giọng tỉnh, 
Khăn khăn áo áo giữ màu quê. 


Và cũng có bấy nhiêu người đàn ông lấy lừa đảo làm nghề kiếm sống:

Khi thì thầy số, lúc thầy lang. 
Công nợ bớp bơ hình chúa Chổm, 

           Ngay cả trong các gia đình, người đàn bà xưa từng được dạy dỗ “công dung ngôn hạnh” luôn thuộc lòng câu “tam tòng tứ đức” giờ đây cũng giả dối trác táng đâu còn hai chữ “chính chuyên":

Ra đường đáng giá người trinh thục 
Trong dạ sao mà những gió trăng 
Mới biết hồng nhan là thế thế 
Trăm năm trăm tuổi lại trăm thằng

V. BỘ MẶT TRƯỜNG THI VÀ ĐẠO HỌC.

           
Những bài thơ viết về trường thi và đạo học của nhà thơ Trần Tế Xương còn để lại đến nay đã cho chúng ta thấy được toàn cảnh chế độ thi cử đương thời  và chỉ rõ sự bế tắc của tầng lớp nho sĩ lúc bấy giờ. Với một bên là chế độ thực dân, cố gắng tiến hành thực dân hóa, một bên là chế độ phong kiến cố níu kéo lại phần quyền lợi của mình nên chế độ khoa cử cũng rối ren kéo theo nhiều hệ lụy. Họ làm sao biết mình sẽ phải học từ đâu và thi như thế nào mới đạt kết quả, trong khi:

Nghe nói khoa này sắp đổi thi 
Các thầy đồ cổ đỗ mau đi 
Dẫu không bia đá còn bia miệng 
Vứt bút lông đi, giắt bút chì

          Bên cạnh cái nền nếp thi nay thay, mai đổi, nhà thơ cũng chỉ ra sự hủ bại của chế độ thi cử đương thời. cùng với các hiện tượng tiêu cực trong dạy và học. Thật đáng ngại khi thầy chẳng ra thầy:

Hỏi thăm quê quán ở nơi mô  
Không học mà sao cũng gọi đồ  
..................................................
Hỏi mãi mới ra thằng bán sắt 

Còn các quan lại có phận sự cai quản việc thi cử thì ngu dốt đến mức (sách như hũ nút chữ như mù) lại làm việc sơ khảo thử hỏi hay, dở rồi sẽ ra sao

Sơ khảo khoa này bác cử Nhu
Sách như hũ nút chữ như mù

      Và thật là không đáng, khi những người coi sóc chốn trường qui lại là kẻ không có học, không biết chữ gì:

Thánh cắt ông vào chủ việc thi 
Đêm ngày coi sóc chốn trường qui. 
Chẳng hay gian dối vì đâu vậy
Bá ngọ thằng ông biết chữ gì

         Còn các sĩ tử thì lười học, dốt nát, lấy tiêu khiển ăn chơi là chính. Đây cũng chính là tệ nạn trong thi cử trong buổi nho học đang tàn tạ. Trách chi bao kẻ sĩ tử giả danh, chỉ là thi cơm rượu:
                  
Kể tuổi nhà min ngoại bốn mươi 
Văn min khấp khểnh, học min lười
Ba năm một hội thi cơm rượu 
Bốn bể nhiều anh góp nói cười 

Cũng chính từ điều này mà những người đỗ đạt thường chỉ là cậy có người thân giúp, hoặc do mua được bằng tiền:

Ông cử thứ năm, con cái ai  
Học trò quan đốc Tả Thanh Oai

...................................................
Thứ năm, ông cử ai làm nổi, 
Học trò quan đốc tỉnh Hà Nội
 
Càng tệ hại hơn với bao kẻ đỗ đạt trong sự khuất tất khác trong cái sự tiêu cực nơi trường ốc rồi ra làm một thứ quan nấu rượu:

Hàn lâm tu soạn kém gì ai
Đủ cả vung nồi cả cóng chai

Ví thử quyển thi ông được chấm
Đù cha đù mẹ đứa riêng ai

Và trớ trêu thay với những người chưa thi đã biết đỗ, họ đâu có phải thi chữ nghĩa văn chương:

Người ta thi chữ ông thi phúc
Dù dở dù hay ông cũng vào

             Từ những tiêu cực trong dạy, học và thi cử, nhà thơ Trần Tế Xương đã nhận định về sự chán chường của mọi người về đạo học mà từ bao lâu nay dân ta luôn coi trọng:                  

Đạo học ngày nay đã chán rồi 
Mười người đi học chín người thôi 
Cô hàng bán sách lim dim ngủ 
Thầy khoá tư lương nhấp nhổm ngồi 
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo 
Văn trường liều lĩnh đấm ăn xôi 

Nhiều người cho rằng ông Tú nhiều khi cũng tự mâu thuẫn với chính mình, bởi những điều ông viết ra chứng tỏ là ông đã thấy rõ sự hủ bại của trường thi thời đó, vậy mà sao ông vẫn cố đi thi. Cái mà ta nhận thấy đây chính là cái bế tắc của tầng lớp sĩ phu thời đó. Đôi người có thể giả câm, giả điếc lựa theo chiều gió chấp nhận mất dần bản chất để đi theo. Số người có tài năng trí tuệ thực thụ thường khó chấp nhận sự đánh mất mình nên rất dễ bị đè nén bởi nguyên lý tự nhiên của thời đại. Điều này đã tác động vào chính nhà thơ Trần Tế Xương và rồi có lúc ông cũng muốn phó mặc:
 
Thôi có làm chi cái chữ nho
Ông nghè ông cống cúng nằm co
Chi bằng đi học làm thầy phán
Tối rượu sâm banh sáng sữa bò

          Tuy nhiên ông vẫn day dứt để rồi tiếp tục theo lối cũ. Có lẽ ông không muốn theo đuôi kẻ khác chống lại dân mình. Thôi thì đành gắng gượng giữ nguyên cái nghiệp thi cử do nhiều nguyên cớ. Một trong những nguyên cớ đó là ông mong thỏa mãn sự mong muốn của gia đình mà từ lâu rồi vẫn không có kết quả.

Mở mặt quyết cho vua chúa biết
Đua danh kẻo nữa mẹ cha già 


Cũng còn một việc là làm thế nào để có một chức sắc, được hưởng lương bổng sau khi thi đỗ để rồi có thêm những chi phí cho đời sống bản thân nhà thơ:

Cái khó theo nhau mãi thế thôi 
Có ai, hay chỉ một mình tôi
Bạc đâu ra miệng mà mong được 
Tiền chửa vào tay đã hết rồi

          Và điều cơ bản là làm sao có công việc làm, có tiền giúp cho gia đình vượt qua những khó khăn đến (mướt mồ hôi)(tràn nước mắt):

Van nợ lắm khi tràn nước mắt 
Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi 

          Cũng chính từ đây ta hiểu số phận của cả tầng lớp sĩ tử thời đó sống ra sao và họ sẽ làm được gì để tự cứu lấy đời họ trong khi các tổ chức cách mạng chống xâm lược đòi quyền sống dường như đã bị tan rã do sự đàn áp của thực dân Pháp. và chính quyền phong kiến tay sai.

VI. KẾT LUẬN
          Trên đây chỉ là một số dẫn chứng chọn lọc nhằm khảng định công lao to lớn của nhà thơ Trần Tế Xương trong bức tranh về con người và xã hội Việt Nam trong giai đoạn thực dân nửa phong kiến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX do Thực dân Pháp xâm lược và chính quyền tay sai bán nước gây ra. Người ta cũng có thể gửi lại lịch sử của một thời đại qua nhiều nguồn như nhiếp ảnh nhưng dù có nhiều hình ảnh đến đâu thì cũng chỉ cho những vẻ ngoài khô cứng, nói làm sao cho được tâm tư cảm xúc của cả một xã hội đang trong thời kỳ biến động cùng với những khủng hoảng tăm tối nhất, chơi vơi nhất mà mỗi con người phải chịu đựng. Điều muốn đề cập đến trong bài viết đó là thêm một lần khảng định các bài thơ luật Đường nằm trong tác phẩm văn học sử của nhà thơ Trần tế Xương chính là bản Thông điệp hiện thực và phong phú nhất về con người và xã hội đương thời gửi lại cho hậu thế.


VIỆT HÓA THƠ ĐƯỜNG LUẬT


Viết về Việt hóa thơ Đường luật đã có hàng ngàn người tham gia và có thể cũng có đến hàng ngàn tác phẩm với nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên trong hội thảo lần này của Hội Thơ Đường luật lại đặc biệt nhấn mạnh đến ảnh hưởng của nhà thơ Trần Tế Xương đối với thơ Đường luật Việt Nam. Đây là một chủ đề rất mới và có ý nghĩa vô cùng to lớn khi mà phong trào làm thơ Đường luật với phong cách Việt Nam đã thực sự trỗi dậy sau nhiều thập kỷ im hơi lặng tiếng trước các thể thơ khác đã và vẫn đang thịnh hành trên thi đàn Việt Nam.
Đặc biệt hơn là số lượng tác giả đã và đang sáng tác thơ “Đường luật” càng lúc càng đông. Chỉ cần thống kê 12 tập thơ của Hội thơ Đường luật thì đủ thấy điều đó. Chưa nói đến các thi đàn thơ Đường luật hiện đang thu hút khá nhiều tác giả trong các trang báo điện tử và trên các CLB của hàng vạn thôn bản trên đất nước này. Điều mà chúng ta cần nhắc lại đó là những lời ca thán đến mức ái ngại của nhiều nhà thơ về cái khó của thể thơ này từ nhiều năm trước. Điều này hoàn toàn không sai vì sự thực là thế, khi mà những niêm cùng luật, những vần với đối và nhất là khối lượng từ ngữ thật khó để chuyển tải các trạng thái nhân vật cùng với các hoạt động hết sức sôi động trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ.
Tuy nhiên nếu đặt vấn đề cho thật đầy đủ thì phải nói từ lâu rồi các nhà thơ thời trước đã cố gắng tìm ra phong cách mới nhằm Việt hóa thể thơ này.  Những gì văn học Việt Nam nhận được đó là sự cách tân của Hàn Thuyên và Nguyến Trãi trong khá nhiều sáng tác bằng chữ nôm của người Việt. Đặc biệt chúng ta còn có Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Khuyến và nhiều nhà thơ khác trong rải rác các tác phẩm thơ nôm luật Đường vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Để có thể đánh giá đúng và đầy đủ nhất phải nói đến Trần Tế Xương mới là người đưa thơ Đường luật chữ Hán thành thơ Đường luật theo phong cách Việt toàn diện và phong phú nhất trong mọi thời đại.

II. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CÁC BÀI THƠ

           Để có thể nói về công lao của Trần Tế Xương trong Việt hóa thơ Đường luật, không thể không nói đến việc sử dụng ngôn từ tiếng Việt trong thơ ông. Người ta có thể nói các nhà thơ đều ngại dùng các từ ngữ quá gợi hoặc tục. Đến như Hồ Xuân Hương cũng chỉ bóng gió hoặc nói lái là cùng. Tuy nhiên Trần Tế Xương đã có sử dụng mạnh bạo hơn nhiều. Bên cạnh cái (tôi) dám chịu trách nhiệm, ông dùng khá nhiều các câu từ nhiếc móc, thậm chí là chửi rủa nhưng đọc lên vẫn thấy không đáng ngại. Cho đến bây giờ nhiều người còn rất ngạc nhiên vì những câu chữ ông dùng trong thơ quả là một nghệ thuật cao siêu và hoàn toàn có mặt trong ngữ pháp tiếng Việt hiện đại.

1. Nghệ thuật dùng từ trong thơ
  Một đặc điểm quan trọng đó là những câu thơ ông viết cứ như là kể chuyện thường ngày giữa người này với người nọ; nôm na đấy nhưng không hề tầm thường, dễ dãi.

Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm ọe quan trường miệng thét loa

Hầu hết các bài thơ của ông đều sử dụng rất nhiều các biện pháp tu từ. Nhiều nhất vẫn là các câu ca dao, tục ngữ và các thành ngữ như: (Học đã sôi cơm, Thi không ăn ớt) hoặc các thành ngữ: (Lặn lội thân cò, Một duyên, hai nợ, Năm nắng, mười mưa) trong bài Thương vợ. Đây cũng là những cụm từ quen thuộc trong giao tiếp của người Việt. Với cách này nhiều khi không cần chú thích người nghe, người đọc cũng đã hiểu ý tác giả:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng, 
Eo sèo mặt nước lúc đò đông. 
Một duyên hai nợ âu đành phận, 
Năm nắng mười mưa dám quản công. 

Về nghệ thuật ngôn ngữ trong thơ Trần Tế Xương dường như được đi qua hầu hết các biện pháp tu từ. Trước tiên là cách sử dụng ca dao tục ngữ và các thành ngữ trong thơ ví dụ như cách sử dụng từ láy: (Ngao ngán, Nhạt nhèo, khăn khăn áo áo, Bút bút nghiên nghiên) trong bài Đêm buồn. Với cách sử dụng này quả thật đã phá vỡ Ngũ độ thanh trong thơ Đường luật thời trước. Điều này cũng cắt nghĩa cho việc Việt hóa thơ Đường luật của ông.

Ngao ngán tình chung cơn gió thoảng 
Nhạt nhèo quang cảnh bóng trăng suông 
Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện 
Bút bút nghiên nghiên khéo giở tuồng 

Cách ông dùng ẩn dụ thực sự đã đạt đến sự điêu luyện trong sử dụng ngữ pháp tiếng Việt. Đương thời dường như có rất ít người làm được như ông. Như hàng loạt các câu thơ trong bài Đạo đức giả:

Lắng tai non nước nghe chừng nặng
Chớp mắt trăng hoa giả cách nhèm
Cũng đã sư mô cùng đứa trẻ
Lại còn tấp tểnh với đàn em

Nếu như thơ Đường luật Trung Quốc vận dụng sự tích và điển cố để mở rộng các ý tứ trong thơ, thì Trần Tế Xương lại dùng ca dao, tục ngữ và nhiều thành ngữ tiếng Việt để mở rộng ý thơ. Đặc biệt là phép đối ông dùng càng nhuần nhuyễn. Chúng ta có thể kể ra một số thành ngữ trong tiếng Việt mà ông đã sử dụng. Với cách dùng thành ngữ như thế này dường như đã mở ra những mẫu câu cho những người làm thơ thời nay vận dụng.
Chúng ta còn tìm thấy ở ông cách dùng từ hết sức gợi cảm nhưng cũng thật gần gũi trong giao tiếp hàng ngày như: (ngoi,  ngỏng):

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng

Những động từ (ngoi) dường như gợi cho ta thấy cái động tác cố di chuyển bộ mông ngồn ngộn của bà đầm. Hay như động từ (ngỏng) khéo nói về sự cố cất cao cái đầu của ông cử đang phải cúi gục trước các quan lại bề trên. Chính cái sự đối chọi giữa cái nơi khá “tục” của kẻ này với cái chỗ “thanh” của kẻ kia đã bật ra cái sự nhạo báng sâu cay đến độ.

2. Kết cấu các bài thơ
Chúng ta có thể thấy thơ Trần Tế Xương có sự khai thác rất chặt chẽ về niêm, luật, vần, đối và nhất là kết cấu đề, thực, luận, kết theo quy định của trường thi trong thời phong kiến. Trong hơn một trăm bài thơ cũng có đôi chỗ trái luật (có thể do sao chép). Số các bài còn lại thực sự hoàn hảo với ba yếu tố vần, luật, đối. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là các tác phẩm của ông hoàn toàn được viết bằng chữ nôm của người Việt phù hợp với tiếng Việt giầu hài âm, nhạc tính.

a. Luật thơ chuẩn mực
        Về luật thơ ông luôn tôn trọng những quy tắc cơ bản của thể thơ với những bộ phận đề, thực, luận kết bao giờ cũng rõ ràng mạch lạc, không hề công thức và khiên cưỡng. Từng phần một chắp vào nhau mà không hề thấy có sự phân cách. Có thể lấy ví dụ qua bài Thiếu nữ đi tu để dẫn chứng cho kết cấu của luật.

Con gái nhà ai dáng thị thành 
Cớ chi nỡ phụ cái xuân xanh  
Nhạt màu son phấn, say màu đạo
Mở cánh từ bi khép cánh tình. 
Miệng đọc nam vô quên chín chữ 
Tay lần tràng hạt phụ ba sinh 
Tiếc thay thục nữ hồng nhan thế
Nỡ cạo đầu thề với quyển kinh


          Ngay từ đầu đề bài (Thiếu nữ đi tu) đã rất ngắn gọn đủ khái quát chủ đề bài thơ. Các câu phá đề, thừa đề đã hoàn tất việc giới thiệu về nhân vật (con gái nhà ai) cả về hoàn cảnh (dáng thị thành) và sự việc muốn nói đến (nỡ phụ cái xuân xanh).
           Với cặp thực: (Nhạt màu son phấn, say màu đạo, Mở cánh từ bi, khép cánh tình). Hoàn toàn đủ để xong phần thực, cùng với phép đối ngẫu chuẩn mực bao hàm cả thực và trạng (Nhạt màu son phấn/ Mở cánh từ bi); (say màu đạo/ khép cánh tình). Chỉ cần hai từ: (say và khép) đã nói lên tất cả.
           Với cặp luận: (Miệng đọc nam vô quên chín chữ/ Tay lần tràng hạt phụ ba sinh) đã nói rõ những đúng, sai về hành vi của nhân vật trong thơ. Đây cũng là một cặp đối hết sức hoàn thiện tỏ hết được cái ý của tác giả. Cũng như cặp thực, ở cặp luận cũng chỉ với hai từ: (quên và phụ) đã đủ để kết tội người trong cuộc.
          Đến với cặp kết: (Tiếc thay thục nữ hồng nhan thế, Nỡ cạo đầu thề với quyển kinh) thì bài thơ đã hoàn thiện với một cái kết rất rõ ràng mạch lạc, đủ làm mẫu mực cho thể thơ này.

b. Các bộ vần đẹp
Về các bộ vần nhà thơ Trần Tế Xương dường như chỉ dùng vần bằng mà ít dùng vần trắc. Đây là bộ vần truyền thống của thơ Đường luật viết bằng tiếng Việt. Điểm quan trọng thứ hai là các bộ vần thường là chính vận, có rất ít các bài dùng vần gần đúng (bàng vận) hoặc các vần thông. Chính vì thế mà cả trăm bài thơ của ông đọc lên đều thấy êm ái nhẹ nhàng, gợi cảm và rất dễ thuộc.

Có thể lấy bộ vần trong bài Đau mắt làm ví dụ:
Bộ vần trong bài Đau mắt với các vần (inh) để có các từ: Mình, thinh, sinh,  đinh, tình. Đây là bộ vần bằng truyền thống của thơ Đường luật. Kết cấu hài thanh với đầu và kết lấy thanh huyền (trầm bình thanh). Các vần của các câu giữa đều thanh không (phù bình thanh). Đây là bộ vần giúp cho hơi thơ dàn trải, man mác hợp với cách kể lể về nỗi buồn của con người

Vui chẳng riêng ai, ốm một mình 
Hỏi ai, ai cũng chỉ mần thinh 
Vừa đồng bạc lớn ông Lang Xán 
Lại mấy hào con chú Ích Sinh 
Hỏi vợ, vợ còn đi chạy gạo 
Gọi con, con mải đứng chơi đinh 
Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ 
Gương mắt trông chi buổi bạc tình

Có thể lấy thêm bộ vần nữa trong bài Thề với người ăn xin làm ví dụ:
Bộ vần trong bài Thề với người ăn xin với các vần (o) để có các từ: no, cho, trò, gio, vò. Đây cũng là bộ vần bằng truyền thống với kết cấu hài thanh: vần đầu là thanh không (phù bình thanh). Vần thư 3 và vần cuối là thanh huyền (trầm bình thanh). Đây là bộ vần có vần đầu tiên giúp cho hơi thơ ban đầu rất nhẹ, hợp với cách của người muốn thanh minh một điều gì đó. Sang phần cuối với các vần là thanh huyền (trầm bình thanh) tựa như nhấn xuống hợp với ý muốn khảng định những điều trước đó đã nói:

Người đói thì ta cũng chẳng no
Cha thằng nào có tiếc không cho
Họ đày đoạ mãi dân cày cuốc
Ai xét soi cho cảnh học trò
Mong được cơm no cùng áo ấm
Gặp toàn nắng lửa với mưa gio
Miếng ăn đến miệng là thưa kiện
Lúa rũ chân đê chửa được vò
         
c. Phép đối hoàn chỉnh
           Tất cả những người làm thơ đều nhận rõ bản thân cặp đối đứng độc lập đã đủ để hoàn chỉnh chủ đề của nó. Nhưng với thơ Đường luật rất cần có nó bởi từ phép đối ngẫu bật ra câu thứ ba (do người viết đề xuất) để tả được nhiều hơn trong phần thực và tỏ nhiều hơn trong phần luận. Điều muốn nói là trong thơ Trần Tế Xương chưa bao giờ khoan đối và không đối. Đặc tưng của thơ Trần Tế Xương lại tập trung hầu hết là thơ trào phúng nên đối trong thơ ông quả là hữu dụng. Dưới đây là một số cặp đối trong thơ Trần Tế Xương.

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng

Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện
Bút bút nghiên nghiên khéo giở tuồng

Vừa đồng bạc lớn ông Lang Xán
Lại mấy hào con chú Ích Sinh

Bánh chưng sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu

III. KẾT LUẬN

          Về phong cách thơ Trần Tế Xương có đủ ba yếu tố hiện thực, trào lộng và trữ tình. Toàn bộ tác phẩm là bức thông điệp đứng đầu hệ thống văn học sử của thời đại với bút pháp trữ tình và trào lộng có một không hai trong lịch sử. Tuy nhiên điều muốn nói đó là tác phẩm của ông được tạo ra chính bởi chữ viết và tiếng nói của dân tộc Việt. Đặc trưng trong đó là sự tiếp thu của thơ Đường luật Trung Hoa; một trong những tinh hoa văn hóa thế giới mà dân tộc nào trên thế giới cũng có thể tiếp nhận, biến cải thành văn hóa của chính dân tộc mình.
                  

I. GIỚI THIỆU CHUNG
Ngoài các tác phẩm thơ nôm của nhà thơ Trần Tế Xương mà chúng ta đã xác định đó là thể thơ Đường luật theo phong cách Việt, chúng ta còn có một kho tàng thơ dịch của ông cũng mang âm hưởng và ngôn ngữ Việt. Trong số tám mươi ba bài thơ dịch, tương truyền là của ông đã được các học giả giới thiệu khá kỹ trong Tú Xương toàn tập”. Điều mà ta nhận thấy là đa số các bài thơ ngũ ngôn đã được ông dịch thành thất ngôn, chính từ đó mà độc giả dễ hiểu và dễ cảm. Nhưng đáng kể nhất phải nói đến là đó là phương pháp dịch thơ của ông có nhiều nét cách tân khác với nhiều người dịch trong thời điểm đó.
Cho dù phải tôn trọng nội dung của bài thơ gốc nhưng nhiều bản dịch ông đã bỏ qua “hình thức ước lệ, tượng trưng, công thức, quy phạm” trong phản ảnh con người và xã hội vốn đã ngự trị trong thơ Đường luật Trung Hoa bằng cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt hết sức phong phú và đa dạng giống như cách sáng tác thơ nôm luật Đường của ông. Đây cũng là những nét chính trong Việt hóa thơ Đường luật.

II. MỘT SỐ BÀI THƠ DỊCH

             1. Trích dẫn tóm tắt một số bản dịch

Để nói rõ hơn về quá trình Việt hóa thơ Đường luật của nhà thơ Trần Tế Xương trong dịch thuật thơ Đường luật chúng ta không thể không nhắc đến tám mươi ba bài thơ dịch trong:Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm. Trong mảng thơ dịch của ông đều giữ nguyên đầu đề của nguyên tác (nghĩa là các bản dịch của ông không có đầu đề). Nhiều nghiên cứu của các học giả đã nói về phương pháp dịch thơ của ông khác hẳn với nhiều người. Điều đáng nói là những cảnh, những tình trong nguyên tác đã được khắc họa sâu sắc hơn, rõ nét hơn về mọi mặt. Riêng về nghệ thuật các bản dịch luôn sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt cùng với nghệ thuật tu từ, đặt câu của văn hóa Việt. Từ đó cho thấy những bài thơ dịch có một sắc thái riêng mang đậm nét văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là đóng góp đặc sắc của ông trong dịch thuật thi ca và trong Việt hóa thơ Đường luật qua các tác phẩm gốc thơ Đường. Dưới đây xin trích dẫn một số bản dịch thơ của ông:

        Thất thập dạ đối nguyệt
(Đỗ Phủ)
Thu nguyệt nhưng viên dạ
Giang thôn độc lão thân
Quyển liêm hoàn chiếu khách
Ỷ trượng cách tùy nhân
Quang xạ tiềm cầu động
Minh phiên túc điểu tần
Mao trai y quất dữu
Thanh thiết lộ hoa tân

Dịch nghĩa:

Ngắm trăng đêm mười bẩy

Trăng thu đêm nay vẫn tròn
Chỉ có một mình lão già ở thôn bên sông
Cuốn rèm lên trăng đã chiếu vào ta
Chống gậy đi đâu trăng cũng theo
Ánh sáng rọi làm con cầu long cựa mình
Bóng sáng soi vào khiến con chim ngủ xoay mình
Lều tranh dựa bên cây quýt, cây bưởi
Hạt móc đọng như hoa mới nở

Bản dịch
(Trần Tế Xương)

Vành vạnh đêm rằm chút chửa sai
Giang thôn lụ khụ một mình ai
Mở rèm trông thấy như chào tớ
Chống gậy ra chơi lại đón người
Trong suốt rồng nằm dòng nước chảy
Sáng choang chim ngủ bóng cành phơi
Nhà tranh ngồi tựa bên chồi quýt
Móc trắng lòng ta cũng trắng ngời.
                  
Bài thơ của Đỗ Phủ tỏ rằng chỉ có một mình lão già này ở xóm bên sông với trăng làm bạn. Hình như trăng vẫn tròn mà chưa tàn khuyết. Chỉ mới mở rèm ra trăng đã soi vào người. Ta chống gậy đi đâu trăng cũng theo đi cùng, trăng soi xuống nước làm rồng thức, soi vào chim trên cây làm cho nó phải xoay mình. Dưới trăng cả ngôi nhà bên cây quýt cũng lay động, giọt sương cũng ánh lên trên cánh hoa mới nở.
Với ông Tú thì ngoài việc giữ cái ý của nguyên tác còn có thêm những nét tinh tế khác. Đó chính là ông coi trăng thực sự là người bạn. Vửa mở rèm trăng đã “chào tớ” và rồi khi ông đi trăng lại cùng đi “ra chơi lại đón” chứ không phải đi theo như nguyên tác. Điều thú vị là ông Tú nói không cần úp mở rằng có trăng mà ta không cô đơn, có trăng mà ta hòa đồng được với cảnh vật tới mức “Móc trắng lòng ta cũng trắng ngời”
Về nghệ thuật rõ ràng bản dịch theo thể thất ngôn, âm điệu dịu dàng và có tính nhạc hơn. Tuy nhiên điều chúng ta muốn tìm là phong cách Việt trong thơ dịch của ông. Điều đó rất rõ trong cách dùng ngôn từ của bài thơ dịch với hàng loạt các từ láy.
Chỉ là “vành vạnhthôi đã đủ để nói cái sự tròn, chỉ với “lụ khụ” đã rõ cái sự già nua tuổi tác. Hoặc với các từ ghép “trong suốt, sáng choang” đã đủ nói về hình ảnh một không gian sống động. Cùng với việc sử dụng các từ ngữ điêu luyện là các cấu trúc ngữ pháp trong các câu thơ chỉ có trong tiếng Việt hiện đại. Ngày nay các tác phẩm vận dụng theo nghệ thuật dùng từ đặt câu của ông Tú thật là đắc dụng.
Một ví dụ khác nữa là bài thơ “Đối tuyết” thể ngũ ngôn của Đỗ Phủ cũng được dịch theo thể thất ngôn.

Đối tuyết
(Đỗ Phủ)

Bắc tuyết phạm Trường Sa
Hỗ vân lãnh vạn gia
Tùy phong thả nhàn diệp
Đới vũ bất thành hoa
Kim thác nang thùy chỉnh
Ngân hổ tửu dị xa
Vô nhân kiệt phù nghĩ
Hữu đãi chí hôn nha

Dịch nghĩa

Tuyết miền bắc đã đến Trường Sa 
Mây xứ Hồ gieo lạnh đến muôn nhà. 
Lá rơi từ từ theo làn gió, 
Hoa không nở được dưới cơn mưa. 
Hễ tiền trong túi đã xóc xách, 
Thì rượu dễ đầy bình bạc. 
Không ai uống hết rượu phù nghị, 
Xin cứ đợi đến lúc quạ chiều

Bản dịch
(Trận Tế Xương)

Nam bắc phôi pha mấy dặm khơi
Tuyết mây dan díu một phương trời
Gặp cơn ghen gió màu tha thiết
Sáu cánh trêu mưa dáng tả tơi
Một túi càn khôn dầu nhẹ nhẹ
Lưng bầu phong nguyệt chẳng vơi vơi
Biết ai cạn chén tri âm tá
Thơ thẩn chiều hôm những đứng ngồi

Bài Đối tuyêt của Đỗ Phủ nhằm cái ý trước cảnh tuyết rơi, khắp nơi giá lạnh lá cây rơi rụng, hoa không nở được vì mưa, có tiền trong túi không lo hết rượu. Cứ uống đợi đến lúc chiều về
Còn với Trần Tế Xương thì bài thơ có sự thay đổi đáng kể. Ông nói về sự phôi pha giữa nơi xa vắng. Mây tuyết mưa gió tàn phá gợi bao nỗi niềm. Túi càn khôn kia dù nhẹ bớt, cái bầu phong nguyệt vẫn không vơi. Chẳng biết ai sẽ là bạn tri âm, nên lòng mãi bồn chồn đứng ngồi không yên.
Về nghệ thuật ông phối hợp ước lệ theo lối cổ của Đường luật Trung Hoa “Một túi càn khôn” hay “Lưng bầu phong nguyệt” và trộn vào đó vốn ngôn ngữ thuần Việt “dầu nhè nhẹ” hay “chẳng vơi vơi” một cách tài tình. Vì thế nên nhiều học giả đương thời và cả những người đời sau đã nhận xét nhà thơ là “thần thơ thánh chữ”.
Điều cần nhấn mạnh là hầu như bài thơ dịch nào của ông cũng đều dùng ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại. Nghĩa là từ ngày đó (một trăm năm trước) thơ Đường luật đã được Việt hóa đến độ sâu sắc trong bút pháp của Tú Xương. Thêm một lần nữa ghi nhận công lao của ông trong văn học Việt Nam nói chung và trong Việt hóa thơ Đường luật nói riêng.

2. Một số bài thơ dịch

Dưới đây là một số bản dịch thơ Đường luật của nhà thơ Trần Tế Xương trích từ tác phẩm Tú Xương toàn tập do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2010 (các bản dịch không có đầu đề nên viết theo đề của nguyên tác - sách đã dẫn)

Mừng mưa đêm xuân
(Đỗ Phủ)
Khen thay con tạo khéo chia mùa
Hoa sớm mưa xuân những hẹn hò
Đưa nhẹ một cơn bừng giấc thắm 
Rơi ra từng sợi thấm cành khô
Đồng không lối tắt mây nghi ngút
Sông vắng thuyền ai lửa thập thò
Phơi phới thành xuân ban sáng tạo
Chồi sương nặng trĩu mặt hoa đưa.

Dã vọng 
(Vương Tích)
Bóng lộn ngàn cao buổi tối mòng
Một mình chưa dễ đứng ngồi xong
Cây lồng sắc chiếu màu thu tía
Non ánh tà dương lộng vẻ hồng
Trẻ mục giục trâu lùa cái nghé
Người săn cưỡi ngựa xách con hồng
Cùng trông lại biết ai hay tá?
Tưởng hái rau vi những ngại ngùng

Sơ nguyệt 
(Đỗ Phủ)
Nửa vành vừa hé mái cung lên
Một bánh xe trông chửa vẹn tuyền
Thấp thoáng đầu cành trên bể ló
Lô nhô ban tối áng mây ken
Chắn ngang luống để sông Ngân trắng
Hiu hắt vì ai mặt ải đen
Trăm mối bên lòng càng áy náy
Dãy thềm chòm cúc giọt sương hoen

Đăng Nhạc Dương lâu 
Đỗ Phủ
Mấy cảnh Tiêu Tương vẫn tiếng đồn
Lầu đây hồ đấy trải bao còn
Chia ra Ngô Sở chiều ngang dọc
Chốt lại càn khôn thỏa nước non
Một chữ thân bằng tin nhạn vắng
Nghìn trùng quan tái chiếc thuyền con
Xa xa cõi bắc lầm phong hỏa
Thăm thẳm Trường An mắt đã mòn

Thánh Tuyền yến 
(Vương Bột)
Phất phơ tràng áo bước lên non
Ngoảnh lại bên đình lạch suối con
Bầu sánh cúc pha ba chén cạn
Vần lơi tùng thét mấy cung dồn
Lơ thơ bóng rủ ngoài cành lọn
Ngào ngạt hoa bay trước gió tuôn
Rừng vắng tà tà say ngắm cảnh
Lô xô len đá khói đùn đùn

III. THƠ CÁCH LUẬT VIỆT NAM

Cũng như các nhà thơ Hàn Thuyên, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, nhà thơ Trần Tế Xương đã góp công lao to lớn hơn hết cho việc hình thành thơ Đường luật theo phong cách Việt, Chúng ta có thể khảng định toàn diện về một thể thơ khác đó là “Thơ cách luật Việt Nam” trong quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới. Về ý kiến này chúng tôi còn muốn có nhiều ý kiến của các học giả có kiến thức sâu rộng hơn cùng góp sức như đã làm với “Thơ mới” vốn cũng có sự kết hơp giữa thi ca Việt Nam với thơ Nga, thơ Pháp và thơ của nhiều nước khác. Cho đến nay chỉ còn lại với cái tên: “Thơ tự do”; “Thơ Mới” hoàn toàn của Việt Nam ta vậy.

Lê Trọng Hồng
Bút danh Lê Hoa
Chi hội thơ Đường luật Lục Đầu Giang tỉnh Hải Dương
                    Số điện thoại: 0987133083
Địa chỉ: Thạch Thủy, Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương