Tổng số lượt xem trang

30/11/2010

TÌM HIỂU VỀ VẦN

TÌM HIỂU VỀ VẦN TRONG TIẾNG VIỆT

I. NGUYÊN ÂM TRONG TIẾNG VIỆT
a. Nguyên âm cơ bản
Trong hệ thống tiếng Việt ta có các nguyên âm sau: “A, Ă, Â, E, Ê, I, O, Ô, Ơ, U, Ư, Y”.
b. Nguyên âm kép  
Trong số này có một vài chữ có thể ghép với nhau để làm nguyên âm kép đó là các chữ: “AI, AO, AU; ĂY;  ÂU, ÂY; EO; ÊU; IA, IÊ, IU; OA, OĂ, OE, OI, OO; ÔI, ÔÔ; ƠI; UA, UE, UÊ, UI, UÔ, UƠ, UY; ƯA, ƯI, ƯƠ, ƯU; YA, YU”.
c. Nguyên âm ghép bởi ba chữ
Ngoài ra còn có từ có ba nguyên âm ghép lại như từ: “UỶU, UYA, IỀU, OAI, OAI ...” khuỷu, khuya, nhiều, khoai, oai

II. PHỤ ÂM TRONG TIẾNG VIỆT
a. Phụ âm cơ bản
Trong hệ thống tiếng Việt có một thành phần quan trọng cấu tạo lên các từ, thành phần này chiếm đại đa số các chữ, đó chính là các phụ âm. Ngoài các phụ âm mới được cấu tạo thêm để tạo các từ của nhiều nước châu âu và phương tây như chữ “W, Z, F, J”. Những từ còn lại đều là các phụ âm gồm các chữ: “B, C, D, Đ, G, H, K, L, M, N, P, Q, R, S, T, V, X”.
b. Phụ âm kép  
Những phụ âm này khi thì đứng đơn phương đằng trước, đằng sau nguyên âm và không ít các trường hợp chúng ghép từ 1 đến 3 phụ âm để bao lấy nguyên âm của các từ như các cặp 2 phụ âm sau: “CH, GH, KH, NG, NH, PH, TH, TR”.
c. Phụ âm ghép bởi ba chữ
Ngoài ra các phụ âm còn liên kết 3 chữ với nhau như các cặp sau: “NGH”,  

III. TỪ VÀ CÁC DẠNG THỨC CỦA TỪ
Từ trong tiếng Việt được cấu tạo bởi nhiều chữ, nhiều thành phần ghép lại, trong đó gồm các phần chính như: các phụ âm đầu (CPÂĐ), tiếp sau đó là các nguyên âm (CNÂ) phần sau là các phụ âm cuối (CPÂC) và cuối cùng là dấu của các từ (D).
Các từ cũng có nhiều dạng khác nhau, trong đó có từ không có phụ âm đầu, có từ không có phụ âm cuối, có từ không có dấu và thậm chí có từ chỉ có một nguyên âm cũng đã biểu diễn được nội dung một cách đầy đủ như “Ư” chỉ sự đồng ý; “Ứ” chỉ sự không đồng ý. Bên dưới đây là các công thức chung của các từ trong tiếng Việt.
a. Từ hoàn chỉnh:
[(CPÂĐ) + (CNÂ) + (CPÂC) + (D)]
- Không dấu:
[(CPÂĐ) + (CNÂ) + (CPÂC)]
Ví dụ: nhưng/ nhương
- Có dấu:
[(CPÂĐ) + (CNÂ) + (CPÂC) + (D)]
Ví dụ: những/ nhường
b. Từ không có các phụ âm đầu:
- Không dấu:
[(CNÂ) + (CPÂC)]
Ví dụ: anh/ oanh
- Có dấu:
[(CNÂ) + (CPÂC) + (D)]
Ví dụ: ánh/ oánh
c. Từ không có các phụ âm cuối:
- Không dấu:
[(CPÂĐ) + (CNÂ)]
Ví dụ: ngo/ ngoa
- Có dấu:
[(CPÂĐ) + (CNÂ) + (D)]
Ví dụ: ngã/ ngoã
d. Từ chỉ có các nguyên âm:
- Không dấu:
(CNÂ) Ví dụ: oa /oai
- Có dấu:
(CNÂ) + (D) Ví dụ: ô/ ối/ oái

IV. SỰ LIÊN KẾT CỦA CÁC TỪ
1. Cách ghép vần
Ngay từ những ngày đầu đi học, sau khi đã thành thạo phần nhận mặt chữ, các trò đều phải qua một thời gian học ghép vần (có nơi gọi là đánh vần). Những buổi học ấy chủ yếu là đọc theo thầy, cô giáo để biết được từng từ một.
Chỉ với từ ƯNG ta phải đọc thành: “ư/ ngờ/ ưng”, còn với chữ CHO, thì ta phải đọc thành: “o/ chờ, o, cho”; hay với từ NHẬN, ta phải đọc thành: “â, nờ, ân/ nhờ, ân, nhân/ nặng, nhận”. Qua những ví dụ trên ta thấy mỗi từ khi đánh vần đều phải bắt đầu từ các nguyên âm, sau đó là các phụ âm cuối, rồi đến các phụ âm đầu và cuối cùng là dấu của từ.
2. Cấu trúc của vần
Sự ghép vần như trên nhằm vào việc kết nối hai phần chính của từ, đó là sự ghép nối phần thứ nhất là các phụ âm đầu của từ  với phần thứ hai là các nguyên âm và các phụ âm cuối của từ.
Điều ta cần tìm hiểu đó là vần giữa từ này với từ khác. Vậy bộ phận nào làm cho các từ vần được với nhau? Ta có thể khảng định tổ hợp các nguyên âm và các phụ âm cuối của từ là thành phần cơ bản của vần. Đây cũng chính là bộ phận để đối chiếu xem từ này có vần với từ khác hay không.

V. VẦN GIỮA CÁC TỪ
1. Vần đúng (chính vận)
a. Vần của từ hoàn chỉnh
Như trên đã viết từ này vần với từ khác, nhất thiết phải có các bộ phận vần với nhau và bộ phận để các từ vần với nhau chính là nguyên âm và phụ âm cuối của các từ ấy. Các từ có thể vần với nhau khi bộ phận này của chúng giống nhau hoặc ít nhất là gần giống nhau.

Ví dụ:
Chùa làng vọng tiếng chuông ngân
Em về sắp áo đón xuân với người
Từ NGÂN có thể vần với từ XUÂN bởi chúng có bộ phận cuối của từ giống nhau, đó là nguyên âm “” và phụ âm cuối “N” tạo thành vần “ÂN”giống hệt như nhau.
b. Vần của từ không có phụ âm cuối
Đối với các từ có cấu trúc: [(CPÂĐ) + (CNÂ) + (D)], chúng ta nhận thấy chúng có cấu trúc nguyên âm đứng cuối của từ, do đó nguyên âm đó chính là vần của các từ:

Ví dụ:
Chiều nay thăm động Phong Nha
Nhớ em ở tận nước Nga xa vời

 Từ NHA và NGA chỉ có nguyên âm “A” ở cuối từ, ta có thể nói  rằng chúng vần với nhau bởi có cùng nguyên âm “A”. Cũng có thể lấy thêm phụ âm đầu ghép lại đọc là “HA” và “GA” và xác định hai từ được coi là vần với nhau bởi khi ta đọc, âm thanh “HA” và “GA” giống nhau.
c. Vần của các từ không có phụ âm đầu
Đối với các từ có cấu trúc (NÂ) +(PÂC) +(D), nghĩa là từ chỉ có nguyên âm và phụ âm cuối. Bản thân chúng đã là một từ, chúng có thể vần với nhau khi chúng gần giống hoặc giống hệt nhau.

Ví dụ:
Muốn có kết quả học ôn
Phải xa hẳn những tiếng ồn ngoài kia.

Từ ÔN từ ỒN chỉ khác nhau có cái dấu. Đó là những vần đúng cơ bản nhất của các từ.

2. Vần gần đúng (bàng vận)
Ngoài những vần đúng như đã nói ở trên ta còn khá nhiều những vần gần đúng. Những vần gần đúng khi đọc lên ta thấy chúng na ná nhau một chút tuy nhiên chúng vẫn được coi là vần. Dưới đây là những vần gần đúng mà ta thường gặp.
a. Vần của từ cùng nguyên âm, phụ âm cuối khác nhau:
Chúng ta gặp khá nhiều từ có vần gần đúng ở dạng cùng nguyên âm nhưng phụ âm cuối khác nhau. Tuy nhiên ta vẫn chấp nhận chúng vần với nhau như vài ví dụ dưới đây:

Ví dụ:
Người về, nhóm lửa cời than
Ngày mai bác mẹ xin sang bỏ trầu

SAN và SANG có cùng nguyên âm “A” những phụ âm cuối của AN là “N” còn của  ANG là “NG” tuy có khác nhau nhưng khi đọc vẫn thấy có vần.
b. Vần của từ nguyên âm khác nhau, phụ âm cuối giống nhau
Chúng ta gặp khá nhiều từ có vần gần đúng ở dạng nguyên âm khác nhưng phụ âm cuối giống nhau. Tuy nhiên ta vẫn chấp nhận chúng vần với nhau như vài ví dụ dưới đây:
Ví dụ:
Hôm nào cấy chửa kín đồng
Thế mà nay đã chín vàng rạ rơm

ĐỒNG có nguyên âm “Ô”, còn VÀNG có nguyên âm “A” nhưng phụ âm cuối cùng đều là “NG” tuy có khác nhau nhưng khi đọc vẫn thấy có vần.
c. Vần có một nguyên âm và vần có nhiều nguyên âm
Chúng ta gặp khá nhiều từ có vần gần đúng ở dạng từ này có 1 nguyên âm còn từ khác lại có nhiều nguyên âm. Tuy nhiên ta vẫn chấp nhận chúng vần với nhau như vài ví dụ dưới đây:
Ví dụ:
Khăn này em dệt qua đêm
Vải tơ trắng nõn còn nguyên mùi hồ

THÊM có nguyên âm “Ê”, còn NGUYÊN có 3 nguyên âm “UYÊ” phụ âm cuối khác nhau, tuy nhiên khi đọc vẫn thấy có vần.

Qua những ví dụ trên ta hiểu rằng khá nhiều từ có các cấu trúc vần khác nhau nhưng nếu “xếp đặt” tốt thì khi đọc lên âm thanh vẫn dịu ngọt, mượt mà, đằm thắm.
          

22/11/2010

ĐÁNH RƠI


ĐÁNH RƠI
Những gì đã trót đánh rơi
Nghĩa là thứ ấy đã rời khỏi ta
Những gì vĩnh viễn cách xa
Có rồi lại mất, thế là vô duyên
Những gì nhà cháy, đắm thuyền
Đâu tìm thấy nữa mà đền cho nhau
Thầm than, thầm trách, thầm đau
Một lần rơi vạn lần sau thấm buồn!

17/11/2010

NGUYỆN CẦU NHÂN NGÀY GIỖ THẦY

NGUYỆN CẦU

(Nhân ngày giỗ thầy Chu Văn An)

Năm nay con đến giỗ thầy
Đền đài mới được dựng xây lại rồi.
Ngẫm xưa lều cỏ bên đồi
Cô đơn giữ đạo cho đời mà đau
Một ông vua chẳng dễ đâu
Dám theo thầy để đối đầu các quan
Huống gì tàn ác gian tham
Có cam tâm để ngài làm thế không.
Thương thầy dâng sớ mất công
Một thầy xin, một trò không nhận lời
Chắp tay con vái tạ Người
Mong thầy nghe thấu những lời cầu xin
Cầu cho giữ trọn niềm tin
Cầu cho đạo học càng thêm sáng ngời
Cầu cho hạnh phúc muôn người
Cầu cho non nước đời đời bình yên.  
                                      Văn An 2008

PHƯỢNG HOÀNG GỌI NẮNG THU VỀ

PHƯỢNG HOÀNG GỌI NẮNG THU VỀ

Con đến nhà thầy giữa chiều cuối hạ
Cỏ cây xanh nắng bên đường.
Gốc đá ngổn ngang ai vừa xếp lại
Bâng khuâng, nền cũ ngôi trường (!)
Sáu trăm năm khoảng cách chưa dài
Chuyện về Đầm Mực* còn đau
Sớ thất trảm, những dòng thẳng đứng
Hồn xưa, nay đi về đâu (?)
Ai chép lại những dòng thơ cũ
Mưa rơi trên sườn đá ngửa nghiêng
Câu chữ, tình đời vẫn còn nguyên đó
Năm tháng qua rồi dễ đâu lãng quên.
Hoang vắng ngày nào, giờ đây đã khác
Đền mới vừa xây, hoa nở bên hè
Con cháu khắp vùng, nén hương ngày giỗ
Phượng Hoàng** gọi nắng thu về.
                                                    Văn An 2006

*   Sự tích về học trò của thầy là Thủy Thần lấy nước nghiên
mực cầu mưa giúp dân trái mệnh trời còn bỏ lại nơi trần thế
** Nơi thầy Chu Văn An ở ẩn tại Văn An Chí Linh (Hải Dương)

THĂM ĐỀN THẦYCHU VĂN AN

THĂM ĐỀN THẦY

Chiều nay con đến nhà thầy
Trơ vơ sỏi đá, cỏ cây rậm rì
Rẽ cây lấy lối con đi
Tìm xem Giếng Ngọc, Miết Trì* ở đâu.
Trường xưa nền đá dãi dầu
Một ngôi nhà nhỏ nhạt màu khói hương.
Phải vì Người giữ cương thường
Lấy điều giản dị nhún nhường vậy sao.
Hay vì thầy đã cất cao
Lời trung liệt để chạm vào thần oai
Sớ thầy động đến những ai
Mà nơi thờ cúng bỏ hoài gió sương.
Con xin thắp một tuần hương
Mong thầy đại xá thập phương còn nghèo.
Mai sau non nước mạnh giầu
Đền thầy sẽ lại có lầu, có sân.
Mỗi năm con đến một lần
Dâng thầy một thẻ hương trầm lên mây.
Thưa thầy con nguyện theo thầy
Cho dù lở đất long cây không rời
Bâng khuâng một cảnh, một người
Heo may lồng lộng thổi hoài chiều đông.
                                          Văn An 1983
* Những quần thể tại đền thờ thầy CVA

16/11/2010

CHÉN VUI MỪNG CHÁU

Mới thêm nữa một thằng cháu ngoại
Tám tháng thôi đã quyết đòi ra
Mắt lóng lánh, tay chân tròn lẳn
Rõ là khuôn nhà nội đây mà...
Đồ chơi mới chả thèm ngó tới
Bút sách của ông giật lấy để chơi
Cứ thấy giấy liền cho vào miệng
Không giữ là cháu chén ngay thôi.
M­ười bốn tháng  bắt đầu chập chững
Gọi ông bà tiếng chửa rõ đâu
Nghe quảng cáo cho ăn thật dễ
Rủ đi chơi là đến rõ mau...
Đời từng trải thiếu nguồn tình cảm
Niềm vui riêng chẳng có nhiều đâu
Khi già lão ấy là các cháu
Phút giây mừng đặt bút viết đôi câu.
Như đốm lửa thắp lên từ phía biển
Đại dương xanh rộng đến bao la
Hương hạnh phúc chính là các cháu
Chén vui này say chín cả hồn ta.
                                     24/4/2009

DAY DỨT

Khi ném thẻ chém ba đời vị quan lớn ấy
Có ai nhắc một lần về Sách bình Ngô
Khi trố mắt nhìn dòng thơ rỏ máu
Có ai nhớ ngày xưa ngọn bút dựng cơ đồ

“Giá áo túi cơm” dẫu ở đời nào cũng có
“Tát nước theo mưa” nào ai đã nhận ra
Nên cái vận, người hiền không tránh nổi
Hiềm khích làm đau bao trang sử nước nhà.

May có một người cất công tìm kiếm
Chút tâm từ trong giữa đám sương sa
Hình sao ấy dù đã về chớp sáng
Còn có bao điều day dứt cuối trời xa.

NHỚ NGOẠI THÀNH

Rời Hà Nội từ chiều thu ấy
Phút chia xa không nói câu gì
Những kỷ niệm tháng năm tuổi trẻ
Cứ âm thầm theo với người đi.

Hà Nội trong ta, cánh đồng xanh lúa
Nước sông Hồng đầy ắp lưng đê
Những con sóng trong mùa nước dữ
Bao lo toan từ  miền ngược đổ về.

Hà Nội trong ta, những xóm, những làng
Hòn đất ngoại thành nóng sôi mùa vụ
Hết lúa lại ngô, nối nhau chín rộ
Rau, củ tươi non, chăm bón quanh chiều.

Hà Nội trong ta, chất chứa bao điều
Có cái nhà quê của cha, của mẹ
Có dáng hình em dịu hiền, nhỏ nhẹ
Như hoa nở giữa đồng xanh.

Hà Nội trong ta, là xóm ngoại thành
Cây trái, ruộng đồng, bờ tre, bến nước
Phố rộng, nhà cao đâu có xa xôi
Cái riêng mình, chỉ một ngoại thành thôi.

THƠ XÓM

Xóm có đến mấy câu lạc bộ.
Những nhà thơ ch­­ưa biết cách làm thơ*
Vẫn đầy khổ, đầy trang, đầy quyển
Mọi đúng sai, xin cứ làm ngơ.

Tranh thủ nghỉ ruộng vư­­ờn, mùa vụ
Chút thời gian buổi tối, buổi trư­­a
Đời kham khổ, một sư­­ơng hai nắng
Vẫn âm thầm nuôi những nguồn thơ.

Thơ xóm, chẳng  cầu kỳ vần điệu
Chẳng cần gì niêm luật, nông sâu
Chỉ cần biết những điều thầm kín
Đ­­ược một lần chia sẻ cùng nhau.

Thơ xóm cứ tự nhiên giản dị
Chẳng cần chi l­­ưu dấu để đời
Chút tâm sự nói cùng con cháu
Một ngày kia theo đó làm ng­ư­ời.

* Ghi theo lời một hội viên CLB thơ ở PL

15/11/2010

GIÓ NGÀN NƯA

Hãy cho ta trở lại ngàn Nưa
Theo dòng Yên man mác xuôi về
Một Trung Chính, Trung Thành xanh thắm
Tím phù xa con nước đêm hè.

Hãy cho ta trở lại đền Mưng
Nghe Thần phả chép dòng bi tráng
Đầu uy dũng đâu thèm rơi xuống
Dấu ngựa phi vương máu anh hùng.

Hãy cho ta mùa lại tăng cao
Đồng khô nước tròn đôi vụ cấy
Từ nay hết những ngày no, đói
Thóc vàng thêm trong nắng xanh ngời.

Hãy cho ta nhìn lúc em cười
Để mơ tấm chân tình trong đó
Đôi tà áo khép hờ trong gió
Mắt nhìn sang như muốn trao lời.

Hãy cùng vui hò gọi canh khuya
Mùa trăng đến hẹn mùa cheo cưới
Mời cha mẹ mang trầu cau tới
Để tình ta vẹn với câu thề

Hãy cùng ta trở lại cầu Quan
Chiều xanh biếc giấu vào trong mắt
Trời Nông Cống khắc vào câu hát
Gió ngàn Nưa giục giã ta về.

14/11/2010

TA MƠ

Rời xa xứ Bắc từ lâu
Gửi câu Quan họ bên cầu gió đưa
Mảnh vườn thu của ngày xưa
Một mình mẹ với dư thừa đắng cay.
Đôi tàu lá chuối lót tay
Một nùn rơm chắn heo may lọt vào.
Ai mơ trời rộng mây cao
Ta mơ tìm thấy lối vào ngày xưa
Ai mơ khăn áo đón đưa
Ta mơ ngửi chút hơi thừa mẹ thôi.
Mơ vòng tay mẹ làm nôi
Để con lần nữa được ngồi vào trong.
Chợ chiều ai đợi, ai mong
Một chim cơm nắm trong lòng bàn tay
Tiền công dài suốt một ngày
Không ăn dành lại chút này cho con.
Mấy mươi năm tưởng lớn khôn
Lạ sao vẫn cứ trẻ con thuở nào
Ai mơ muôn điệu thanh cao
Ta mơ tay mẹ vỗ vào sau lưng.

GẶP TRONG MƠ

Đêm qua gác bút bên mành
Đợi trăng lên kể nỗi tình bơ vơ.
Chợt đâu có cái non tơ
Quẩn quanh gạn hỏi về thơ, về tình
(Hỏi sao gác mái buông mành
Để thuyền trôi đến chân thành cổ xưa?
Vâng thì... toàn những gió mưa
Trời chiều bàng bạc, trời trưa chói loà.
Khi thì thương bởi cha già
Khi thì em bé thế là đành thôi...
Đến khi trăng đã lặn rồi
Đâu còn thấy lối đi hồi xuân xanh)
Đành xem thơ với ngắm tranh
Lấy hương thiên hạ, rắc quanh sân nhà
Thế rồi thơ, thế rồi là...
Khát khao nhau giữa chiếu hoa sân đình
Vâng thì... tuổi đã trưởng thành
Còn thơ giờ vẫn chưa đành mối thơ
Thương nhau gửi một đường tơ
Để thưa rằng đã... ngày xưa có... rồi (!)

BIỂN GIỜ CŨNG ĐÃ XA KHƠI

Chỉ còn có biển trong tôi
Rặng phi lao với muôn lời mến yêu
Chỉ còn mây trắng những chiều
Ánh trăng cùng với sáo diều trong đêm.
Chỉ còn tiếng sóng ru êm
Vỏ sò kỷ niệm, con tim dạt dào.
Chỉ còn những tháng, năm nào
Dẫu xa xăm vẫn ngọt ngào thiết tha.
Bây giờ tóc đã điểm hoa
Bây giờ mỗi cảnh, mỗi nhà, mỗi nơi
Biển giờ cũng đã xa khơi
Ai ru trở lại cái thời xa xưa(!)

HOA TẦM XUÂN

Nhánh tầm xuân nở bên đường
Có bao nhiêu khách đời thường lại qua
Ta xin một nhánh thôi mà
Gói trong khăn để làm quà sang xuân.
Thế rồi hoa nở trong khăn
 Những mùa xuân, những mùa xuân bùi ngùi...
Năm nay người trở về rồi
Nhánh tầm xuân lại bồi hồi... đơm hoa.

CÂU RU NGƯỜI Ở BÊN KIA

Ai ru ta giữa đêm khuya
Ta ru người ở bên kia cuộc đời
Từ lâu, lâu quá đi rồi
Có nghe không thế ơi người bên kia
Vì sao cứ vội ra đi
Không mang theo mối tình si thuở nào
Để lòng ta xót như bào
Qua bao năm tháng mà nào có quên.

TRỞ LẠI NGÀY XƯA

Bỗng dưng ta gặp được người
Lại bâng khuâng giống như  hồi ngây thơ
Sao không trở lại ngày xưa
Để ai đội nắng, đội mưa kiếm tìm
Sao không liếc mắt trộm nhìn
Để ai lúng túng cầu xin hẹn hò
Sao không cố gắng giả đò
Để ta phấp phỏng, đợi chờ, mỏi mong
 Người ơi có hiểu cho lòng
Để ta chọn đoá hoa hồng thật tươi
Sớm mai mang đến tặng người
Để bâng khuâng giống như hồi ngây thơ.

GẶP LẠI

Gói câu lục bát trong mình
Xuống đò sang bến tự tình với ai
Sóng xao bên dưới mũi hài
Để mùa xuân vút ngang trời bay đi
Người vừa mới nói câu gì
Để em cay đắng hàng mi ướt đầm
Giọt sương lã chã khôn cầm
Tóc mây, vòng bạc âm thầm trả nhau…

Bốn mươi năm giã biệt nhau
Năm nay gặp lại vẫn đau đớn lòng (!)

CẮN XÉ

CẮN XÉ
(Ngắm tượng đá ở đền Thái sư Lê Văn Thịnh)
Thấy ông tự cắn xé mình
Ai người đẽo gọt tạo hình giấu đi
Phũ phàng, độc địa, khinh khi (!)
Mắt gườm gườm mắt, tay ghì ghì tay
Bên hờn tủi, bên đắng cay
Cứ nhìn thấy… đá, lại day dứt buồn.


11/11/2010

BẾN TRIỀU HOA KHÔNG TÊN

Bến Triều anh qua bữa ấy
Dòng sông đầy ắp đục ngầu
Mắt anh lướt về xa vắng
Cô đơn trên sóng bạc đầu.

Đôi quê nằm nghiêng trên bãi
Nước sông mấp mé hai bên
Mặc anh nhìn trong ghê hãi
Em cười, cô gái không tên.

Con phà ầm ầm nhả khói
Kéo căng sợi cáp giăng ngang
Em cứ lặng yên như bến
Lũ xa cuộn xoáy mênh mang.

Bến Triều xa xôi từ ấy
Hình ai thấp thoáng bên lòng
Cách chia rồi đâu có thấy
Hoa trôi man mác theo dòng (?)



NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ

Chỉ cần viết những điều bình dị
Để cho mình và để cho ta
Chỉ cần có những điều bình dị
Tặng cho đời và tặng đến Lê Hoa

10/11/2010

MƠ VỀ QUÊ CŨ

Qua đò trong một chiều mưa
Mong sao gặp được ngày xưa trở về
Rõ ràng mái rạ bờ đê
Rõ ràng đồng lúa lũy tre đầu làng
Rõ ràng kia mảnh sân trường
Bên trong lớp trẻ còn đương học bài
Rõ ràng đây những con người
Đã từng biết mặt những rồi chẳng quen
Lẽ đâu người đã lãng quên
Làng xưa xóm cũ vẫn nguyên đây mà

09/11/2010

THƯƠNG QUÊ GẶP NẠN

(Kính tặng quê hương Nam Định)
Nghe vỡ bao đê ở tỉnh nhà
Bão liền mấy bận thảy đều qua
Vuông tôm mới đắp không còn vết
Chạt muối chưa thu cũng chảy xòa
Sức vóc bao nhiêu đành mất cả
Công lênh ngần ấy cũng thôi hòa
Đành rằng hoạn nạn đâu không thế
Vẫn cứ đau riêng nỗi tỉnh nhà