Tổng số lượt xem trang

21/03/2015

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI IN

Năm 2015 Lê Trọng Hồng đã gửi đến Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc in tác phẩm Hoa Ngô với 62 bài thơ theo Giấy phép ĐKXB số 83-2015/CXB/9-470/VHDT và Quyết định XB số 21-15/QĐ. Nhân đầu xuân Ất Mùi Le Hoa gửi ảnh chụp các tác phẩm và nội dung lên Blog để mọi người chiêm ngưỡng. (Phần nội dung có thể có một số bài đã tải lên từ trước).

 
Tập thơ Hoa Ngô với 62 bài thơ in năm 2015
CÁC BÀI THƠ IN TRONG TẬP HOA NGÔ


Trải qua bao tháng năm trôi
Những dòng mực tím bồi hồi hiện ra
Trang nào của tháng năm qua
Còn trang nào để mai ta gửi vào.


(Đến Thái Nguyên nhớ về Bầu Cạn)

Nắng soi vàng khắp vườn chè
Bao lâu mới lại trở về nơi đây
Ngày xưa ai đã thơ ngây
Đến vườn chè để giãi bầy lời yêu
Thế rồi nắng sớm mưa chiều
Để vườn chè với bao điều vấn vương
Mai rồi tóc trắng như sương
Lặng im đi nốt đoạn đường đã đi
Vườn chè chẳng nhớ điều chi
Mùa hè cũng chẳng nhớ gì nữa đâu
Mai sau dù có bao lâu
Bâng khuâng lại viết đôi câu gửi chè.



Ai làm say đắm hồn ta
Để bâng khuâng những chiều xa đợi chờ
Lời xưa hò hẹn chưa mờ
Lẽ đâu lòng lại hững hờ xa xôi
Cho dù trăng đã khuyết rồi
Hẹn mùa trăng khác đền bồi cho nhau.
Chẳng thà đắt lúa rẻ cau
Chẳng thà ngập nước để đau cả mùa…
Hôm nay khép áo lên chùa
Nhớ về xưa cũ câu đùa bâng quơ
Mấy mươi ngàn kiếp đã chờ
Kiếp này đành nhẽ cập bờ bến không.
Nhìn ra bốn phía mênh mông
Thả tay buông nắm tơ hồng ngày xưa.



Bất ngờ trở lại Trường Sơn
Nghe câu hát cũ trong cơn mưa chiều
Người về thêm những lời yêu
Để hồn thơ với bao điều nhớ nhung
Núi non muôn lớp chập chùng
Gái trai thuở ấy thề cùng nước non
Tháng năm dằng dặc mỏi mòn
Vết thương ngày cũ vẫn còn đớn đau
Khấn thầm đồng đội ở đâu
Chiều nay xin hãy cùng nhau trở về



Bảo rằng “sông rộng một gang”
Chỉ qua “dải yếm” là sang tới rồi
Thế mà mấy chục năm trời
Vẫn không đến được với người tri âm.
Khi yêu người chỉ nói thầm
Lấy đâu báu vật để cầm làm tin
Nhỏ nhoi, trời rộng cánh chim
Biết đâu lối cũ mà tìm được nhau.
Đành chờ đợi để lần sau
Bâng khuâng ngồi ngắm hoa cau nở vàng.



Năm nay người mới quay về
Hoa ngô xào xạc bên đê sông Cầu.
Áo ai phơi tím ruộng mầu
Tóc ai chảy bạc cả đầu bến sông
Chói chang khắp hết cánh đồng
Con đò… đã chẳng còn trông thấy gì.
Gậy tre chống dọc đường đi
Nghiêng tai mãi chẳng nghe chi những lời
Thôi đành mượn ánh mắt cười
Gật đầu đáp lại cho người ta yêu.
Bờ đê vàng nắng trong chiều
Chuyện ngày xưa, chẳng nhớ nhiều nữa đâu!
Hoa ngô xào xạc bên nhau
Rưng rưng hỏi lại… năm sau có về?


Chẳng ai trồng khúc bao giờ
Vẫn xanh, vẫn trắng cả bờ bãi sông
Nếp hương ai xát trắng bong
Đậu xanh ai nấu vàng ong bên hè
Em cười sẽ rụt tay về
Có là chi một chút nghề giản đơn…
Nửa chiều bãi đất trống trơn
Bao cây rau khúc cô đơn mọc hoài
Bồn chồn ngày ngắn đêm dài
Tiếng rao lanh lảnh vang ngoài tường vôi
Phố thay làng đã lâu rồi
Chỉ còn rau khúc…bồi hồi tiếng rao.



Xa nhau ba sáu năm trời
Tưởng chừng rồi sẽ cả đời cách xa
Bỗng dưng đến một chiều qua
Gặp nhau để quãng ngày xa khẽ buồn


(Viết trong đêm trắng)

Ta cứ thức, như nhiều đêm đã thức
Để thời gian, dài nữa những thời gian
Để thêm biết, bao điều mới mẻ
Một đời người lưu lạc ở trần gian.
Ta đã từng qua bao cuộc hợp tan
Chiếc lá nhỏ cuốn theo bao cơn lốc
Một hạt nắng, hạt mưa thoáng chốc
Chép câu gì cho ta gửi vào ta.
Đếm làm gì những canh một, canh ba
Bởi đêm trắng đã nối vào đêm trắng
Trong giấc ngủ vẫn thấy còn ngọt đắng
Thức hay không nào có cần chi.
Hãy ngủ đi và hãy cứ ngủ đi
Gồng mình mãi để đau thêm nữa
Khi bóng nắng đã vượt qua điểm giữa
Cứ dài thêm cho ngọn đổ về đông
Hoàng hôn rồi, đêm có ngủ hay không.


(Phiên bản lục ngôn)

Lâu lắm không về sông Lãng
Nước triều mới cạn đêm qua
Bùn loãng chan đầy mặt cỏ
Thu vàng muôn lớp đùn xa 

Sông vẫn chảy theo vườn cũ
Dây trầu ngoi nước mà lên
Vòi tre bò ngang mùa lũ
Vô tình khi nhớ khi quên

Dòng sông cứ trôi triền miên
Bậc đá nằm yên trên đất
Mùa lụt, mùa khô chồng chất
Nhớ ngày gặp em đầu tiên…

Chỉ mong gặp thêm lần nữa
Cùng nhau giây phút cận kề
Bờ khuya từng con sóng vỡ
Còn em mãi mãi không về



Khi ta yêu, tim óc chợt bừng lên
Nguồn sinh lực từ lâu tiềm ẩn
Và tâm thức bao trùm nhân bản
Cứ như là dốc cạn để trào ra.
Khi ta yêu, ta đã quên ta
Chỉ mong mỏi trần gian hạnh phúc
Và như thế mọi nơi, mọi lúc
Dẫu hy sinh ta sẽ nhận về mình.
Khi ta yêu, mọi thứ thật trong lành
Khao khát bên nhau nào ai không muốn
Một ánh mắt chợt nhìn cũng uống
Ôi ngọt ngào vô hạn của trần gian.
Khi ta yêu, kể cả núi cũng tan
Biển cũng cạn và trời kia cũng thấp
Và ta, dẫu củ khoai, cái bắp
Vẫn là ta hòa với xung quanh.
Khi ta yêu, hồn chợt thêm xanh
Lòng thêm rộng và đời thêm đẹp
Mọi toan tính nhỏ nhoi, chật hẹp
Cứ tan dần thành mây khói trong ta.



Khi làm thơ, ta chỉ nghĩ về thơ
Quên hết thảy, những gì là tăm tối
Quên hết thảy, những gì là gian dối
Những thiệt hơn, toan tính ở đời.
Khi ta làm thơ là khi chất con người
Ràn rụa, dâng cao như lũ tràn, thác cuốn
Và tất cả những gì ta muốn
Ấy là yêu, yêu hết thảy bao người.
Khi ta làm thơ, thường vẫn khóc cười
Không muốn thế mà lòng luôn rớm lệ
Những thu nạp lẽ đời muôn thế hệ
Mở toang rồi trên bàn viết con tim.
Khi ta làm thơ, ta càng vững niềm tin
Cái của mai sau, lớn hơn ngày trước
Từ nhỏ bé cỏ cây, đến cao xa đất nước
Cứ lớn lên tươi đẹp tuyệt vời.
Khi ta làm thơ là hướng đến bao người
Yêu thêm nữa và thương thêm nữa
Một góc rừng xa có còn mất bữa
Một vùng quê xa có còn tiếng súng bom.
Khi ta làm thơ, ta thấy quý mình hơn
Vì thơ sáng cho lòng ta cũng sáng
Và tất cả những gì xứng đáng
Ta gửi vào thơ để trở lại cùng ta.



Viết câu thơ gửi tháng mười
Trước khi chia rẽ mỗi người mỗi nơi
Một mai cách trở xa xôi
Để không quên hết tình tôi, tình nàng
Thơ ơi sao khéo phũ phàng
Nỗi đau đứt ruột gửi sang cho người
Buông tay giữa đất giữa trời
Đau thơ đau cả tim người làm thơ



Lại tìm xuân với hoa đào
Giữa chiều tết lạnh xôn xao tiếng lòng
Cành nào chan chứa sắc hồng
Cành nào thắm đỏ bềnh bồng trong mơ
Cành nào phai lạt bâng quơ
Cành nào tha thiết đợi chờ thi nhân
Cành nào tươi thắm tình xuân
Thời gian ghi dấu bao lần trong thơ
Dịu dàng đàn nối dây tơ
Lại tìm xuân, lại tìm mơ hoa đào.



Cha ngồi tập viết cùng con
Nét vuông nối với nét tròn cạnh nhau
Nét nào trước, nét nào sau
Khi cao, khi thấp, khi mau, khi dầy
Khi to, khi béo, khi gầy
Từng trang tiếp nối tháng ngày trong mơ.
Dù cho nét tỏ nét mờ
Đừng làm hoen ố bao tờ trắng trong.
Nhớ nghe con giữ thẳng dòng
Đừng quên kẻ vạch mà cong, mà chùng
Thiết tha, thẳng thắn, hào hùng
Tay con khéo lựa hòa cùng tay cha
Mai sau con lớn lên già
Chữ nhân, chữ nghĩa nhớ mà thẳng ngay
Âm thầm nét chữ, bàn tay
Cha ngồi cần mẫn mỗi ngày bên con  



Viết câu lục bát cho con
Thả trên khắp các lối mòn xung quanh
Đời cha giăng sợi tơ mành
Đời con cái nhẽ phải xanh cây đời
Biết yêu hoa biết yêu người
Biết yêu đời để cho đời yêu đáng yêu.


(Kính dâng bà Huyện Thanh Quan)

Bài thơ người tặng cho đời
Tưởng đâu khép lại một thời đã xa
Ai người hiểu được lòng bà
Bên nhà bên nước bao la chữ tình
Đau đời, đau cảnh, đau tình
Ngậm buồn vẽ ảnh vẽ hình cho thơ
Một mình đứng giữa chơ vơ
Cần chi danh phận mà mơ, mà tìm
Ai trong nhung lụa đắm chìm
Còn bà đơn lẻ cánh chim lạc bầy
Cung đình hoa lệ chất đầy
Tan nhà, tan nước vui vầy mà chi
Thương mình trong bước lưu ly
Viết câu thơ lúc phân kỳ đôi nơi
Nỗi niềm như rụng, như rơi
Như tan, như  nát, như vơi, như đầy…
Đã qua bao tháng năm chầy
Tiếng chim khắc khoải lạc bầy kêu thương.


(Thăm Hoàng Thành Thăng Long)

Có bao nhiêu lớp chồng lên
Sứ sành, gạch đá còn nguyên giữa đời
Hình như còn có bao người
Thoáng nghe văng vẳng nói cười bên ta
Chiếu dời đô Lý đã xa
Khí thanh long chợt bay qua lưng trời
Ai đang thủ thỉ nói cười
Trả gươm thần để giãn dời việc quân
Hay là công chúa Ngọc Hân
Ai tư vãn đến tình quân một thời
Thơ Hồ đau cảnh đau đời
Lẻ loi cam phận giữa nơi đô thành
Nước non đâu đã an lành
Một câu hoài cổ sao đành cắt ngang
Ngàn mây xa tắp mênh mang
Gói bên trong cả ngàn trang cuộc đời



Cây xoài đã lại ra hoa
Thêm mùa xuân nữa thế là mười năm
Mẹ già giờ đã xa xăm
Cây xoài chẳng có ai chăm mỗi ngày
Rào tre đâu thể chất đây
Trái chua mời gọi cả bầy trẻ thơ
Cây xoài đứng đó chơ vơ
Tuổi mười lăm lúc bấy giờ…thế thôi!
Mười năm giờ đã xa xôi
Ớt cay, muối mặn thế rồi... dần xa
Lại nghe trong gió thoáng qua
Hình như tiếng của mẹ ta năm nào.



Lại về trong tím hoa cà
Tháng tư theo chị đi ra ngoài đồng
Trái tròn nặng trĩu cành không
Tím như tà áo mùa đông năm nào…
Chị thêm một chút muối vào
Miếng cơm đậm nhạt đã bao nhiêu mùa.
Khẽ khàng đứng nép cổng chùa
Trao nhau một cánh hoa mua tím hồng.
Nhà nghèo thiếu ruộng gieo trồng
Đổi mươi gáo nước một bông lúa gầy
Chị ôm cái nắng chầy chầy
Bát mồ hôi giữa những ngày tản cư...
Lại về trong nắng tháng tư
Vườn cà trĩu quả giống như năm nào
Cổng chùa ai đã khép vào
Người xưa giờ đã nơi nào xa xôi



Phải vì đất tốt đất lành
Cò về làm tổ trên cành cây cao
Chiều quê bất chợt xôn xao
Tiếng cò như thể khắc vào tâm can
An Dương xanh đến ngút ngàn
Chẳng ai đếm nổi muôn vàn cò bay
Thuyền trôi trên lớp mây dày
Bao nhiêu cò cũng hiện đầy đáy sâu
Nước non muôn sắc muôn màu
Bức tranh phong cảnh đẹp giầu ấm no
Lại nghe sâu thẳm đảo cò
Câu ru của mẹ đắn đo…ngày nào
Dẫu rằng người muốn xáo xào
Cũng xin được gửi mình vào nước trong
Đảo cò ai nhớ ai mong
Một đời ta đã gửi trong đời cò


(Phả Lại ngày 27/7/2013)

Vẫn là tuổi ấy trăng tròn
Đã bao năm chẳng hao mòn sắc xuân
Ngày nào đứng dưới hàng quân
Mũ nan chân đất với quần áo nâu
Từ nơi hoang vắng rừng sâu
Điện Biên rực rỡ sắc mầu cờ sao
Trường Sơn tiếp nối đường vào
Tây Nguyên Quảng Trị ào ào tiến quân
Ầm ầm, sáu tám… Mậu Thân
Sài Gòn rực lửa mùa xuân khải hoàn…
Chiều nay rung gió đại ngàn
Lại nghe chân bước muôn vàn quân đi
Trang nghiêm dưới bóng quân kỳ
Những hàng bia có nói gì nữa đâu
Bao người lặng lẽ cúi đầu
Khói hương xanh quện với màu cờ son
Vẫn là tuổi ấy trăng tròn
Ngàn năm sau mãi vẫn còn thanh xuân.



Gió đã nổi đưa trăng về với núi
Ngoài xa kia muôn sóng cứ gầm gào
Ta biết vì sao lòng lại tuôn trào
Bờ môi mọng chín dần mỗi tháng
Ngày chợt đến giữa nhòa nhạt nắng
Đêm đưa tiễn cứ vằng vặc sáng
Mải hôn đời quên hết những vầng mây
Trăng đến đó và trăng về đây
Đường vô tận chẳng gì ngăn cản được
Khi sắp lặn cũng là khi sắp mọc
Cứ soi vàng cho đông lại về tây
Còn ta bắt đầu từ đâu về đây
Dẫu sao cũng một lần dời đổi
Dù là quãng tuần hoàn ngắn ngủi
Cũng say lòng từ bao lâu nay
Ta uống rồi mà sao không say
Để đời cứ đợi chờ mòn mỏi
Đừng quá chậm với trăm ngàn câu hỏi
Khi ta còn vầng trăng trong tay
Trăng đến rồi và trăng ở đây
Chỉ với một vòm trời lòng chảo
Và ta biết trăng sẽ mờ sẽ ảo
Để tan dần vào trong ban mai

HÁT THUÊ

Đám cưới đang ăn
Người hát thì cứ hát
Áo tứ thân đỏ xanh nâu bắt mắt
Người hát người ăn cũng chẳng mấy phiền.
Chủ thuê bằng tiền
Còn nghệ sĩ làm người hát mướn
Thôi thì chuyện làm ăn
Có nơi có chốn… người cần.
Ngày xưa đã có lần
Vua chúa chia ra giống dòng con hát
Không cho bén mảng trường thi
Cả đời dốt dát
Cách mạng về đổi đời kép hát
Bao người thành nghệ sĩ tài ba
Cuộc đời từ ấy vươn xa.
Chiều nay đám cưới,
Áo the khăn đóng hài hoa
Ô lục soạn, nón ba tầm…réo rắt
Dù thế vẫn là gánh hát,
Nghệ sĩ theo trò hát thuê

RỜI THỤY KHUÊ


Rời quận Tây Hồ về Cầu Giấy
Đường Văn Cao gọi phải ra đi
Ba mươi sáu năm từng ở đấy
Dẫu quen rồi vẫn phải chia ly

Từ đồng ruộng lớn lên thành phố
Nhà cao tầng dần đã như nêm
Chiều chợ Bưởi thơm mùi cốm mới
Phủ Tây Hồ hương khói dầy thêm

Đường Cổ Ngư nhộn nhịp hằng đêm
Thơ Bà Chúa họ Hồ sắc xói
Gió im bặt để nghe sóng nói
Giữa đêm buồn sao nỡ rời em

Thụy Khuê ơi ta chẳng thể quên
Dù phố mới giơ khăn vẫy nón
Dù quê mới hân hoan chào đón
Chẳng bao giờ ta lại quên em.

Rời Hồ Tây, đành vậy thôi em
Con đường mới mở ra nhiều hướng mới
Để đất nước mỗi ngày thêm xốc tới
Chắc mai rồi hai ta sẽ dần quen



Đến Đèo Ngang không lên đỉnh nữa
Lối đi vào, xuyên núi mà qua
Đến Đèo Ngang lại nhớ thơ thuở trước
Đau lòng ai tình nước, tình nhà.

Đến Đèo Ngang không lên đỉnh nữa
Đá đơn côi, hoa lá đơn côi
Dấu chân cũ có còn in lối cũ
Nước bên ghềnh không biết có còn sôi

Đèo ngang mới không lên đỉnh nữa
Bánh xe thời đại mở xuyên hầm
Câu thơ đã có mầu tươi mới
Bóng Đèo Ngang, sừng sững…xa dần


(Rừng Thông 10/1975)

Đồ nghề chất đống, chật sân kho
Anh làm bảo vệ trông sân bãi
Xã lại điều em đến gác cho

Ngày ngày trực chiến cuối rừng thông
Quen nhau từ buổi chung phiên gác
Đã để cho ai phải nặng lòng!

Qua tết năm nay… lập  gia đình?
Mắt cười: bom đạn còn chưa dứt,
Em nghĩ chửa nên… chuyện chúng mình!

Lần cuối chia tay để lên đường
Bao nhiêu yêu dấu anh để lại
Mang cả rừng thông đến chiến trường.

Gặp thông càng thêm nhớ về thông
Có ai về lại quê Thanh Hoá
Phố Kết bây giờ có còn không?

Mỗi dòng là mỗi niềm nhung nhớ
Nhỡ hẹn dài thêm những đợi chờ.

Đồi pháo ngày xưa đã vắng tanh
Hố bom sâu hoắm bên trận địa
Đám cỏ trên bờ mọc đã xanh...

Pháo nổ tung hoa đỏ rực trời
Có thêm tiếng súng em trong đó
Góp lửa giăng vây lũ giặc trời.

Thắp nén hương thơm trên nấm đất
Nỗi đau không cất nổi thành lời
Bao nhiêu đôi mắt cùng anh khóc
Đứng mãi bên em chẳng muốn rời.

Em cứ xinh tươi như ngày ấy
Trong anh em mãi mãi là thông
Tóc xanh như lá chiều hoang vắng
Soi xuống bên hồ nước trắng trong

Em đi như bóng nắng tan đi
Đồi thông vẫn dội từng sóng nổ
Qua biết bao mùa cuộc chia ly

Trong anh còn mãi tiếng thông reo
Trong anh còn mãi lời em gọi
Còn mãi trong đời một dấu yêu.


(Đông Hà 15/7/2005)    

Miền cát chiều nay trắng quá
Mênh mông mãi tận chân trời
Nơi ấy gợi về ngày cũ
Đạn bom, mưa nắng tơi bời.
Đã xa lắm rồi
Những điều trong cổ tích
Cát thì trắng!
Cỏ thì xanh!
Còn máu thì rất đỏ!
Những bước chân hành quân
Mù trời đạn bom, mù trời bão gió
Kẻ thù trước mặt chúng ta
Trận địa bốn bề cát trắng
Mùa xuân năm ấy! Đông Hà!
Miền cát chiều nay trong cơn gió lốc
Tung bay, tung bay ngàn vạn hạt
Về những miền xa, thật xa
Dội vào ký ức
Một khoảng thời gian đã qua.


 (Thành Cổ 5/2005)

Ba mươi năm mới lại về đây
Dòng Thạch Hãn vẫn êm đềm xuôi chảy
Thành Cổ vẫn còn nguyên ở đấy
Bâng khuâng, một khoảng chiến trường.

Không đếm xuể những bông hoa cỏ trắng
Chiều mênh mang trong nắng tơ hồng
Ở đâu thế những hồn xa vắng
Ơi những người anh, người bạn, người chồng

Còn đây khối âm dương dựng đứng
Còn đây nữa bát cơm quả trứng[1]
Tự trăm miền trao gửi vào trong
Nắm hương chiều theo gió thổi tầng không.

Kìa ai đó đang đi trên cỏ
Quân phục xanh trên đất màu xanh
Bên bờ đá tả tơi sụp đổ
Một góc thành xưa, bom pháo tan tành.

Ai đi đó bàn chân hãy nhẹ
Đừng để tan đi giây phút thanh bình
Nơi mảnh đất đã bao lần cày xới
Thịt da anh đâu còn có nguyên hình.

Dẫu đến cả ngàn năm sau nữa
Thành kia, sông ấy vẫn còn
Bao kỷ vật là bấy nhiêu chứng tích
Tám mốt ngày trong khói lửa đạn bom.

Giữa chết chóc tan hoang đổ nát
Tiếng anh cười vang mãi đến chiều nay
Trong hữu hạn giữa hai vùng sống chết
Đã lên mầm xanh lại chính từ đây.


(Tháng 8- 2005)

Tuổi tác đã không còn trẻ nữa
Sướng khổ buồn vui trong mỗi đời người
Quên hết cả để cùng trở lại
Như ngày nào mười tám, đôi mươi.

Tất cả lại là mình, là tớ
Cả mày tao, cả đấy, cả đây
Nâng chén rượu hát về quá khứ
Khúc quân hành hoà trong tỉnh, trong say.

Mỗi người một cuộc đời riêng biệt
Việc nước non xen công việc gia đình
Trong vất vả, gian nan, thiếu đủ
Vẫn vẹn nguyên, một tấm chân tình.

Mọi điều đã trở về quá khứ
Nghĩ làm chi nghèo túng, sang giầu
Những cao thấp cuộc đời sắp đặt
Có cần chi trong tình nghĩa, bạn bầu.


(Ga Thị Long 9/1970)

Em sẽ chẳng thể nào biết được
Có một người ra trận hôm nay
Nhìn em đợi  bên hàng cọc gỗ
Sân ga chiều bỏ lỡ cuộc chia tay

Đã hẹn thế sao anh không tới (!)
Cuộc chia ly bao nỗi tái tê
Đừng thêm nữa nỗi đau chờ đợi
Bao người đi mãi mãi không về.

Xin đừng có giận anh, em nhé
Đừng coi nhau như kẻ vô tình
Anh đã nhận những dòng nước mắt
Dẫu mai ngày anh phải hy sinh.

Em sẽ gặp những niềm vui mới
Quên ngày nay,  đến với ngày sau
Trong ký ức không còn anh nữa
Vết thương lòng sau một lần đau.

Chuyến tàu đã bắt đầu chuyển bánh
Để sân ga nằm lại đằng sau
Em đứng đó chập chờn trong bóng khói
Để lòng ai giằng xé dọc con tàu.


(Đồng Tâm 25/9/2006)

Ba mươi sáu mùa thu vời vợi
Đâu chỉ là một sáng, chiều, trưa
Tưởng tất cả đã về quá khứ
Có đâu ngờ gặp lại ngày xưa.

Chiều thu ấy, người ra tiền tuyến
Khoảng trời xa, bom pháo chiến tranh
Những mùa nắng, mùa mưa tiếp nối
Có một chiều ga, theo bước quân hành.

Giờ ly biệt có gì để lại
Nghĩ về nhau, sao không đến cùng nhau (?)
Đừng tiếc nữa, những ngày tháng ấy
Một lần thôi, ga cũ bỏ con tàu.

Khóc một chút hay nên cười một chút
Về cái dở dang hay cái đã vuông tròn
Những trăn trở từ lâu chưa hết
Chia cách xưa, đau bởi mất còn.

Có thể mong gì hơn thế
Sự hiếm hoi, may rủi trong đời
Đã xui khiến cho ngày gặp lại
Nói làm sao trong chỉ một đôi lời.

Chuyện xưa vẫn, trong lòng vương vấn mãi
Để bây giờ tươi mới, chợt vui ra
Tay cầm bút viết vần thơ gặp lại
Có một con tầu dường như đã về ga.



Không kịp trở về nơi ấy nữa
Lỡ hẹn rồi phiên chợ mùa xuân
Cây cầu Mẹt trúng bom sập đổ
Chợ quê thành trận địa dân quân

Vòng bạc vẫn trong, chỉ thêu vẫn thắm
Áo ngâm chàm tím giữa hàng quân
Nút vải cuộn tròn như bao chiếc nụ
Trên ngực anh cài chặt bao lần

Xa mãi, giữa đầu trời cuối đất
Khoảng chiến tranh cứ rộng dài thêm
Chưa kịp hẹn đến mùa làm cỗ
Nên chúng mình đâu đã thành duyên...

Chợ Mẹt mùa này sẵn dao thép cứng
Thớt nghiến tròn xoay vàng xuộm ánh chiều
Mùa xuân mới trôi qua một nửa
Đám cưới nhà ai nhắc lại một thời yêu.



Tôi đã cho đời tất cả đ­ược bao nhiêu (?)
M­ười hai tuổi, thành ng­ười lao động
Luống cải trong v­ườn, rạch ngô ngoài ruộng
Yêu những nơi gần, mơ những nơi xa.

M­ười tám tuổi, thành ng­ười chiến sĩ
Khoác súng trên vai, lên đư­ờng đánh Mỹ
Bàn chân qua muôn đất rộng, sông sâu
Phân nửa cuộc đời qua thật là mau.

Ba m­ươi tuổi về công trư­ờng xây dựng
Những nền móng nối nhau vô tận
Nắng, mư­a dầu dãi quanh năm
Vì đất, vì ngư­ời quên mọi gian truân.

Sáu m­ươi tuổi về làng cùng con cháu
Con lợn, con gà, bờ ao, thùng trấu
Miếng cơm bát thuốc trở trăn
Vẫn gắng đôi phần việc nư­ớc, việc dân.

Những khoảng nối thật bình dị quá
Có điều gì đáng kể ra đâu
Muôn cuộc khác cứ sinh sinh, hoá hoá
Cuộc đời nào trùng khít vào nhau.

Dù sao cũng một đời đầy đủ
Khẽ khàng, bình dị mà vui
Những mơ ư­ớc cao xa ngày ấy
Với bây giờ vẫn vậy mà thôi.





(Đền liệt sĩ Nam Trực 23/2/2011)

Gió mang cơn rét về đâu
Để chiều xuân mãi cuộn sâu sóng ngầm
Cổng đền khép chặt lặng câm
Để ai đứng dưới mưa dầm lê thê
Tưởng đâu quên hết lối về
Tuần hương còn đỏ bên lề cỏ non.
Dẫu rằng ngực đỏ như son
Vẫn thương bao mảnh trăng tròn rụng rơi.
Mỗi người chỉ một cuộc đời
Dám quên đi để bao người tiếc thương.
Chờ mưa ghé lại bên đường
Đọc bao tên tuổi để vương lệ già
Thương bao nhiêu những mái nhà
Cô đơn vắng bóng... người xa không về.

QUA HUẾ NHỚ VỀ THÔN VỸ

Mong về thôn Vỹ từ lâu
Câu thơ Hàn gửi ở đâu chốn này (?)
Những bông hoa bắp gió lay
Bờ tường cao, lá trúc dày che ngang
Một màu ngọc biếc mênh mang
Chỉ còn có mỗi một hàng cau thôi
Em hoà vào với đất trời
Trắng trong sương khói để rồi tan đi…
Người về thôn Vỹ làm chi
Đợi khi trăng mọc, chờ khi trăng về
Khát đời, khát một vùng quê
Mà không còn dịp được về tận nơi
Bẩy mươi năm đã qua rồi
Câu thơ còn đó con người về đâu (?)

THĂM ĐỀN THẦY

(Văn An 1983)

Chiều nay con đến nhà thầy
Chơ vơ sỏi đá, cỏ cây rậm rì
Rẽ gai lấy lối con đi
Tìm xem Giếng Ngọc, Miết Trì[1] ở đâu.
Tr­ường xư­a nền đá dãi dầu
Một ngôi nhà nhỏ nhạt màu khói hư­ơng.
Phải vì Ng­ười giữ c­ương th­ường
Lấy điều giản dị nhún nh­ường vậy sao.
Hay vì thầy đã cất cao
Lời trung liệt để chạm vào thần oai
Sớ thầy động đến những ai
Mà nơi thờ cúng bỏ hoài gió sư­ơng.
Con xin thắp một tuần h­ương
Mong thầy đại xá thập ph­ương còn nghèo.
Mai sau non nư­ớc mạnh giầu
Đền thầy sẽ lại có lầu, có sân.
Mỗi năm con đến một lần
Dâng thầy một nén hư­ơng trầm lên mây.
Th­ưa thầy con nguyện theo thầy
Cho dù lở đất long cây không rời
Bâng khuâng một cảnh, một ngư­ời
Heo may lồng lộng thổi hoài chiều đông.

TẠ ƠN       

(Kính dâng vua Lý Chiêu Hoàng)

     Chuyển giao đất nước cho chồng
Nhẹ nhàng như chiếc lông hồng vậy thôi.
     Tám đời vua đã qua rồi
Nhiều đời vua nữa, đến hồi cũng qua.
     Phúc chúng sinh, phúc sơn hà
Không di luỵ, chẳng gươm pha máu hồng.
     Ai xoay thế nước khôn cùng
Ai dằn lòng để bằng lòng đổi trao
Để bao trăn trở về sau
Với bao suy ngẫm thật lâu trong đời
     Ngàn năm sắp sửa qua rồi
Câu thơ thắp đỏ những lời tạ ơn.

DẤU CHÂN LÔNG NGỖNG

         (Cổ Loa 9/2010)
Bốn bên tường gạch vữa vôi
Dấu chân phàm tục mấy hồi lại qua
Hanh hao màu đá gan gà
Hanh hao sắc lụa choàng qua hình người
Ai thương, ai giận, ai cười
Loa Thành xoáy cuộn mấy hồi quặn đau
Nỏ thần nào có thấy đâu
Lưỡi gươm oan nghiệt ngàn câu phẩm bình
Ai mê đắm giữa hư vinh
Để tan nát một mối tình ngây thơ
Bao giờ hay chính bây giờ
Dấu chân lông ngỗng lờ mờ đâu đây (?)

CHUYỆN ÔNG RỒNG ĐÁ

(Thăm đền Thái sư Lê Văn Thịnh)

Thao Giang để hận ngàn đời
Tiếc khoa thi ấy có người đỗ cao
Khéo khôn chi giữa ba đào
Giỏi giang chi giữa quần hào thế gian
Mải mê chi chữ minh quan
Để rồi mãi mãi hàm oan trọn đời.
Văn chương đành lẽ giết người
Cung tên, giáo mác ngạo cười thế gian.
Hình rồng còn mãi không tan
Tai lành tai điếc vô can đứng ngoài.
Cõi xa giờ đã êm trời
Cõi gần mưa gió tạnh rồi cần chi
Đời sau đau khúc phân ly
Buồn sao rồng đá nằm ì nơi đây
Sao không sáng tỏ ban ngày
Để bao ngờ vực đắng cay trong lòng
Để bao nhiêu những thẳng cong...
Chép câu thơ với ước mong hiểu người.


Bỗng đâu lá rụng hoa rơi
Bỗng đâu ngọc đá một thời nát tan
Bỗng đâu dậy đất hàm oan
Bỗng đâu máu đỏ dương gian ngập đầy
Ơi người bán chiếu Hồ Tây
Câu thơ ướm hỏi chứa đầy vấn vương
Trách chi nguyệt thẹn hoa nhường
Thâm cung hẹp lối đành vương luỵ đời
Dạy bao nhân nghĩa cho người
Còn mình đành để đất trời ghét ghen
Trách chi phẩm đỏ, tay hèn
Làm sao tránh được trắng đen ẩn hình
Những là oan khuất phận mình
Một loài rắn trắng tuyệt tình đáng thương
Một tay thí nghịch bạo cường
Một thân mệnh phụ ví phường nguyệt hoa.
Mấy ai hiểu được cho bà
Đành gieo đôi vận kết hoa dâng người
Chiều Côn Sơn vạn tiếng cười
Mênh mông hoa nắng một trời gió đông..

MỘT THOÁNG HÁT GIANG

Thế rồi mọi lẽ đều qua
Chỉ còn đây với hai bà họ Trưng
Lời thề ai cũng đã từng
Lên ngôi cũng bởi có chừng ấy câu
Sử Nam ghi nhận công đầu
Thù chồng, nợ nước càng sầu trong tâm
Hát Giang lòng bỗng khôn cầm
Hồn thiêng muôn thuở biết nằm nơi đâu
Vết thương lòng mãi khắc sâu
Khăn nào thấm hết giọt sầu tuôn rơi
Hoa vàng dậy sắc bên trời
Thuyền vàng thấp thoáng
                             bóng người trên sông.

HUN KHÓI GIỮA RỪNG SÂU

 (Chùa Hun thờ Nguyễn Trãi)
Ai hun khói giữa rừng sâu
Những hầm than nguội lừ lâu bên rào
Mũ cánh chuồn, áo cẩm bào
Cất vào đâu để đi vào tuyết sương
Câu thơ nhân ái, yêu thương
Hùng tâm tráng khí vô thường còn đây
Nghe đàn suối, uống rượu cây
Sân rêu, giường đá gượng khuây nỗi niềm
Bỏ đằng sau những tị hiềm
Để quay trở lại mà phiền lụy thân
Nỗi đau đâu chỉ một lần
Công cao lộc hậu, phúc phần chẳng qua…
Oan khiên đâu dễ tìm ra
Đời bưng mặt trống, lớp da công hầu
Ai hun khói giữa rừng sâu
Sáu trăm năm chửa nhạt mầu bi thương.

DẤU XƯA

(Côn Sơn 2008)
Đến Thạch Bàn của ngày xưa
Lắng âm thanh cũ nhặt thưa dội về
Suối mùa đông nước cạn khê
Lối mòn chen chúc đá kê đứng nằm
Đã qua gần sáu trăm năm
Vẫn vang vọng tiếng thơ ngâm não nề
Nền xưa hoang vắng tái tê
Đá xưa còn tỏ câu thề nước non
Trí nhân ơi một lối mòn
“Đã may đến thế rồi còn không may”
Giặc ngoài người trị thẳng tay
Giặc trong ai đó đứng ngây để nhìn
Thạch Bàn ơi hãy lặng im
Viết câu thơ mới đi tìm người xưa.

 

TA MƠ

(Quan Đình 9/2007)
     Rời xa xứ Bắc từ lâu
Gửi câu Quan họ qua cầu gió đưa
     Mảnh vườn thu của ngày xưa
Một mình mẹ với dư thừa đắng cay.
     Đôi tàu lá chuối lót tay
Một nùn rơm chắn heo may lọt vào.
     Ai mơ trời rộng mây cao
Ta mơ tìm thấy lối vào ngày xưa
     Ai mơ khăn áo đón đưa
Ta mơ ngửi chút hơi thừa mẹ thôi.
Mơ vòng tay mẹ làm nôi
Để con lần nữa được ngồi vào trong.
     Chợ chiều ai đợi, ai mong
Một chim cơm nắm trong lòng bàn tay
     Tiền công dài suốt một ngày
Không ăn dành lại chút này cho con.
     Mấy mươi năm tưởng lớn khôn
Lạ sao vẫn cứ trẻ con thuở nào
     Ai mơ muôn điệu thanh cao
Ta mơ tay mẹ vỗ vào sau lưng.

LẠI VỀ SÔNG LẤP

       (Tháng 9/2010)
Lại về sông Lấp[2] quê ta
Tìm câu thơ đã trôi xa thuở nào
Đâu rồi ngõ phố Hàng Thao
Xôn xao Máy Điện, ồn ào Máy Tơ.
Trống chầu ai để quay lơ
Mảnh trăng rơi giữa đôi bờ Đò Quan
Dốc cầu lên xuống ríu ran
Lỏng tay ga, ngắm cung đàn chăng dây[3]
Bâng khuâng gió cuốn, mây bay
Lối xưa sông Lấp ở đây đâu rồi.

 

VỢ MỜI UỐNG RƯỢU

Em nào có nghiện rượu đâu
Chỉ mời anh một chén đầu bữa thôi.
Có say thì đã say rồi
Cần chi mượn rượu mà mời mọc nhau.
Say từ mới nở hoa cau
Chẳng cần mặc cả trước sau thế nào.
Say từ rời chỏm trái đào
Đến nay lấm tấm bước vào tuyết sương.
Đã qua khắp các công trường
Bát cơm gạo sổ, cân đường cắt ô
Giường ghép ván, gạo đựng xô
Áo quần túi dết, ba lô nát nhàu
Mưa rơi chảy ướt trên đầu
Đành ngồi bó gối nhìn nhau mà cười.
Có say, lúc ấy say mười
Bữa nay chẳng biết uống rồi có say.
Rõ là những đắng cùng cay
Gian nan vất vả, trả vay hết rồi.
Uống cùng em… một chén thôi
Để quên, để nhớ, để ngồi rõ lâu
Nuốt vào hết mọi nỗi sầu
Để say như thuở ban đầu mới quen.

THĂM LẠI LỌC HÀ

    (Tháng 10 – 2003)

Trở lại quê ai đất Lọc Hà
Sông đào năm cũ vẫn vươn xa
Xanh om đất ruộng hai bờ lúa
Ngói đỏ ai kia mới cất nhà.

Tìm lại vuông sân cái Tý nằm
Ngôi nhà ốm yếu suốt quanh năm
Có bao người vợ nghèo năm ấy
Đã trải qua thời cuộc khó khăn.

Những nghị ngày xưa đã ở đâu
Một đời mưu mẹo, kế nông sâu
Gớm thay cho bọn người đen bạc
Vẫn cứ nhăm nhe định ngóc đầu.

Ai khóc cho đời những đắng cay
Bên đèn con chữ xót đau thay
Muôn sau vẫn nhớ ngày u tối
Đèn tắt, màn đêm bóng phủ dầy

Đất trũng năm nao đất lại đầy
Quê làng “Đông Xá”đã đổi thay
Vươn ra đã khắp trong làng nước
Phố Lọc chiều xuân ngây ngất say.

NGHĨ  VỀ TỪ THỨC


Thế rồi người ấy không trở lại
Động tiên bao đời vẫn còn đây
Đường ấy lên trời hay chui xuống đất
Mãi tận bây giờ ta vẫn chẳng hay…

Chẳng phải đã cuộc đời tiên, bụt
Sống muôn năm, sung sướng quanh năm
Cung điện nguy nga, vàng son rực rỡ
Đời tiên, người đẹp tuổi trăng rằm

Chẳng phải đã đến trời hạnh phúc
Chẳng còn gì đời phải lo toan
Vật lạ, của ngon có dư bao thức
Khác xa vời kiếp của trần gian

Câu chuyện cổ không ai không biết
Từ ngàn xưa còn đến bây giờ
Như nhắn gửi muôn đời sau nữa
Mối nhân sinh đâu dễ phai mờ

Ta chợt hiểu bên ta là đồng loại
Dẫu vui buồn no đói vẫn cùng nhau
Xin hãy để hoà cùng thời đại
Đừng bao giờ chia cắt để lòng đau

Ta chợt hiểu sau bao nhiêu trốn chạy
Một mai đây người sẽ quay về
Như Từ Thức trong câu chuyện cổ
Sẽ giật mình qua khỏi những vòng mê.

NHỮNG ĐIỀU DAY DỨT

(Đền thờ Nguyễn Trãi 2005)

Khi ném thẻ chém ba đời vị quan lớn ấy
Có ai nhắc một lần về Sách bình Ngô
Khi trố mắt nhìn dòng thơ rỏ máu
Có ai nhớ ngày xưa ngọn bút dựng cơ đồ

“Giá áo túi cơm” dẫu ở đời nào cũng có
“Tát nước theo mưa” nào ai đã nhận ra
Nên cái vận, người hiền không tránh nổi
Hiềm khích làm đau bao trang sử nước nhà
                                                    
May có một người cất công tìm kiếm
Chút tâm từ trong giữa đám sương sa
Hình sao ấy dù đã về chớp sáng
Còn có bao điều day dứt cuối trời xa.

PHƯỢNG HOÀNG GỌI NẮNG THU VỀ


Con đến nhà thầy  một chiều cuối hạ
Cỏ cây xanh nắng bên đường.
Gốc đá ngổn ngang ai vừa xếp lại
Bâng khuâng, nền cũ ngôi trường (!)

Sáu trăm năm khoảng cách chưa dài
Chuyện về Đầm Mực[4] còn đau
Sớ thất trảm, những dòng thẳng đứng
Hồn xưa, nay đi về đâu (?)

Ai chép lại những dòng thơ cũ
Mưa rơi trên sườn đá ngửa nghiêng
Câu chữ, tình đời vẫn còn nguyên đó
Năm tháng qua rồi dễ đâu lãng quên

Hoang vắng ngày nào, giờ đây đã khác
Đền mới vừa xây, hoa nở bên hè
Cháu con khắp vùng, nén hương ngày giỗ
Phượng Hoàng[5] gọi nắng thu về.

VẠN HOA

Từ nơi ấy những gì sót lại
Mái lầu cao nhòm sóng trùng khơi
Khoảng vương giả, cuối cùng thời đại
Gió mây còn lồng lộng chưa thôi.
Mảnh sân đá muốn rời đi mất
Khoảng hồ con, dở khúc đê ngăn
Con sóng đục, rợn màu của đất
Vỗ lên bờ đã mấy ngàn năm…
Ngoài xa kia, ngàn vạn xa xăm
Cõi sống ngấm ngầm những lời thủ thỉ
Mở ra bao ảnh, bao hình
Những trời lớn, trời con xây thành đắp luỹ
Một góc Vạn Hoa[6] sao có thể yên lành.

NHỚ NGOẠI THÀNH


Rời Hà Nội từ chiều thu ấy
Phút chia xa không nói câu gì
Những kỷ niệm tháng năm tuổi trẻ
Cứ âm thầm theo với người đi.

Hà Nội trong ta, cánh đồng xanh lúa
Nước sông Hồng đầy ắp lưng đê
Những con sóng trong mùa nước dữ
Bao lo toan từ  miền ngược đổ về.

Hà Nội trong ta, những xóm, những làng
Hòn đất ngoại thành nóng sôi mùa vụ
Hết lúa lại ngô, nối nhau chín rộ
Rau, củ tươi non, chăm bón quanh chiều.

Hà Nội trong ta, chất chứa bao điều
Có cái nhà quê của cha, của mẹ
Có dáng hình em dịu hiền, nhỏ nhẹ
Như hoa nở giữa đồng xanh.

Hà Nội trong ta, là xóm ngoại thành
Cây trái, ruộng đồng, bờ tre, bến nước
Phố rộng, nhà cao đâu có xa xôi
Cái riêng mình, chỉ một ngoại thành thôi.

CHI BỘ Ở QUÊ

(Thạch Thuỷ năm 2006)

Chi bộ ở quê toàn những người nhà
Cha, chú, cháu, con gọi nhau đồng chí
Nghị quyết đề ra…bao đêm suy nghĩ
Dẫu sao cũng vẫn phải xong.

Xóm dưới, năm nay nợ sản còn đông
Cánh trũng, nhiều nhà bỏ liền mấy vụ
Kinh tế làng ta cũng chưa đầy đủ
Người nghèo giờ vẫn đang còn (!)

Phương hướng mới, năm nay rất rộng
Việc làng, việc xã nhiều thêm
Chi uỷ giờ đây rất cần trẻ hoá
Miệng nói, tay làm công việc mới nên.

Đoàn thể mới rồi cũng vừa phát động
Hội người tuổi cao, hè của thiếu niên
Băn khoăn mãi chuyện Làng văn hoá
Đến bao giờ mới được ghi tên (?)

Mương máng nội đồng cũng cần làm mới
Rầy, nấm vụ này, chuột, sâu vụ tới
Cày bừa, giống mạ, tưới tiêu
Thời vụ tới rồi, muôn việc kéo theo.

Chi bộ ở quê toàn những người nhà
Nghị quyết đề ra bám vào đồng ruộng
Công việc mùa màng, quanh năm bận rộn
Đều là việc Đảng, việc dân.

BÀI THƠ VỀ HUẾ


Bông hoa đèn trôi mãi trên sông
Vẳng xa những câu Nam, câu Lý
Lời mời gọi vô tình hay hữu ý
Có ai về với Huế của em không (?)

Về với Huế từ lâu đã muốn
Ngắm vàng son để nhớ ngày xưa
Nghe câu hát thấy tình sông núi
Mấy trăm năm còn đó những triều vua

Những mảnh sứ nở hoa trên tường, trên cột                                                      
Mái ngói lưu ly cháy rực buổi hoàng hôn
Khuôn mặt đá sao im lặng thế
Dấu chân nào từng qua cửa Ngọ Môn (?)

Chào đây Huế quãng đường xa ngái
Câu thơ da diết gọi ta về
Vườn xưa vẫn “mướt xanh màu ngọc”[7]
Đỉnh đồng cao ươm nắng sau hè.

Ta đến Huế chợt thấy hồn đã Huế
Trái sầu riêng ai bán chợ Đông Ba
Bát cơm hến ai mời bên ghế
Ngụm chè sen ai rót dưới hiên nhà.

Về với Huế! Hôm nay về với Huế
Nước dòng Hương em hát đợi chờ
Chuông Thiên Mụ thắp niềm xao xuyến
Để cho lòng say hết một mùa thơ.

LÀNG MỊN, LÀNG CHỜ

Qua ba làng Mịn
Qua chín làng Chờ...[8]
Câu ca hò hẹn đâu ngờ... nhói đau
Anh đi về đâu
Em đi về đâu
Vòng chỉ nối dây, một lời ngày ấy
Để rồi tan nát lòng nhau.
Ngày hội xa rồi
Câu ca xa rồi
Sông vẫn chảy, đò vẫn trôi
Chỉ có lòng người chẳng trôi, chẳng chảy
Chờ hoài mấy chục mùa xuân.
Mỗi năm một lần mặc áo tứ thân
Mỗi năm một lần xuống đò đi hội
Vạt áo mưa dầm
Câu ca mời gọi
Dòng sông lững lờ...
Qua ba làng Mịn
Qua chín làng Chờ...
Mùa xuân! Xưa với bây giờ,,, Đã xa!
                                                         

NHỚ QUÊ HƯƠNG

(Châu Can 10-2007)
Trưa nay giữa mênh mông trời đất
Khát quê hương, nhớ về một miền thơ
Đường đất, ao bèo, nhà tranh trống vắng
Suốt trăm năm hình ảnh chửa xa mờ.
Hỏi khắp hết ruộng vườn, núi non, sông biển                                                        
Ai họ hàng, ai máu mủ ruột rà
Không… không hết!
Giữa trời trưa vắng!
Khói đồng lên trong xao xác tiếng gà...
Ngồi lại bên đê với bao điều ngao ngán
Trách ai… Ai trách?
Ngàn năm không thể trả lời
Để phải sống, phải còn trong năm, tháng
Biết bao tình, đành dứt áo để chia phôi.
Trở lại thăm nhau, tìm ai còn, ai mất?
Cuộc đời thường…
Đồng tiền, bát gạo đã đủ đâu!
Cái nghèo đã ngăn đường, chặn lối
Để lòng người đầy những buồn đau.
Trưa nay với bao điều được, mất
Về nhà đây…sao chẳng có nhà?
Trên bãi vắng mấy trăm ngàn nấm đất,
Nấm nào kia…tiên tổ, ông bà?
Ra đi!
Ra đi, đâu phải là tội lỗi!
Không về!
Không về, vì bao lẽ cản ngăn!
Mảnh đất còn nguyên mà đành từ chối
Gió bên trời xoa trắng một vành khăn.
Nén hương con!
Nén hương con, gửi vào trong gió
Câu khấn thầm ai nghe được mà nghe
Trời xa xứ, những ngày lo kiếm sống
Vẫn mơ hồ xao xác giục ngoài kia.
Ra đi!
Ra đi, để rồi ra đi mãi!
Nắm xương tàn rơi trắng một màu tro
Bay tơi tả, lạc loài nơi đất lạ
Cuối chân trời đau mãi một miền thơ.

CÔN SƠN CẢM TÁC


Lâu lắm, mới về chùa cũ
Hội qua rồi, khách vẫn còn đông
Núi mọc thêm cây, chùa thêm nhà mới
Lối xưa vi vút rừng thông.

Bên tai thoảng tiếng chuông, tiếng mõ
Nắng chiều, soi bậc đá hao gầy
Màu quỳ cháy ánh đèn rực rỡ
Khói hương cầu xoa mắt mãi còn cay.

Trên đá có bao điều giảng giải
Mấy ai đọc được chữ ngày xưa
Mẩu huyền thoại Huyền Trang, Điểm Bích
Mãi mơ hồ sau tấm mành thưa

Ai đã dựng giữa nơi hoang phế
Một vùng hư ảo huyền vi
Để trần thế thành nơi cực lạc
Để bao người ao ước đến rồi đi...


(Tháng 5 năm 1997)

Thế rồi cũng một lần tìm đến
Cõi trần gian những nhận cùng cho
Vòng tràng hạt không đầu, không cuối
Cuộc luân hồi ai đó mãi giằng co.

Vũ trụ vốn chẳng hề bé nhỏ
Quãng đường xa, đi mãi càng xa
Ai tìm thấy nơi nào hạnh phúc
Dắt cho đời theo đó mà ra.

Người xưa cất chùa về nơi ấy
Giữa rừng già, dốc ngược lên cao
Miền quả phúc ai kia giấu kín
Áo cà sa vàng lối đi vào.

Khép lại một vòng, nơi danh thắng
Bâng khuâng, làng xóm xa mờ
Chiều tan loãng cuốn theo bóng nắng
Nhuộm hoàng hôn dần tím bên chùa.

ĐẾM THỜI GIAN

(8/2008)
Ta đếm thời gian lần lượt đi qua
Một ngày, lại một ngày tiếp nối
Thời gian giống như là tiếng nói
Nhắc ta về những gì đã xa.
Ta đếm thời gian lần lượt đi qua
Nhanh và chậm mỗi khi một khác
Dài vô tận, trong nỗi niềm khao khát
Ngắn vô cùng trong từ biệt người thương...
Ta đếm thời gian lặng lẽ trong gương
Ngơ ngác với mái đầu bạc trắng,
Im lặng với màu da xạm nắng
Giật mình, mau mắn vậy sao (?)
Ta đếm thời gian trong những cơn đau
Mòn mỏi với mùi cồn, mùi thuốc
Cây gậy chống, dựa nơi cửa trước
Khoảng qua rồi ngao ngán gửi về đâu.
Ta đếm thời gian trong hố mắt sâu
Bên dưới lớp thuỷ tinh dày cộp
Thời gian với bao ngày tan hợp
Nối nhau hoài trong những cơn say...
Ta đếm thời gian từ bấy lâu nay
Không nhớ nữa, những gì đã đến
Nửa thế kỷ mải mê tìm kiếm
Khoảng ngắn dài ai có giống ai
Ta đếm thời gian chờ những ngày mai.

GIẾNG TIÊN


Giếng Tiên sao lại ở trần gian
Giữa những mê tơi cỏ ngập tràn
D­ưới đáy khô rang không có n­ước
Chỉ thấy hơi lên nặng vữa bùn

Bao ngư­ời đến ngó nghiêng bỡ ngỡ
Giếng là Tiên hay giếng chẳng hề Tiên
Giếng là giếng như­ chính là giếng vậy
Có khó gì đâu cho một cái tên

Ta theo đời đến đó mà xem
Ôi giếng n­ước mà chẳng hề có nư­ớc
Điều duy nhất mà ta thấy đ­ược
Những mơ hồ ai đó nói về Tiên.


YÊU MÃI TRÀ XUYÊN

   (Tặng chị Thu Mùa)

Sáng xuân nay trở lại Trà Xuyên[11]
Tìm ng­ười của mấy m­ươi năm tr­ước
Câu quan họ tan trên mặt n­ước
Lối x­ưa dư­ờng vẫn ch­ưa quên...

Trà Xuyên ơi, mùa rau còn nguyên
Trăng m­ười bốn vẫn chư­a tròn hết
Vạt áo nâu non, mùi h­ương bồ kết
Vẫn còn thoang thoảng đâu đây...

Tôi đi tìm “em” trong hư­ơng r­ượu say
Dù biết chẳng bao giờ gặp lại
Dù mai sẽ càng xa vời vợi
Hết xuân rồi, ng­ười vẫn không quên.
Có một thời ...
                 Ta yêu mãi...
                                           Trà Xuyên (!)





[1]Những quần thể trong khu đề Chu Văn An
[2] SôngVị Hoàng trong thơ Trần Tế Xương
[3] Cáp cầu Đò Quan Nam Định
[4] Dựa theo truyện Học trò thủy thần
[5] Nơi có đền thờ Chu Văn An
[6] Nhà nghỉ của vua Bảo Đại ở Đồ Sơn Hải Phòng  
[7] Lấy ý từ thơ Hàn Mặc Tử
[8] Lấy ý qua câu cách ngôn của địa phương
[9] Nơi Huyền Trang vị tổ thứ 3 thiền phái Trúc Lâm trụ trì
[10] Nơi Pháp Loa vị tổ thứ 2 thiền phái Trúc Lâm trụ trì
[11] Một làng quê thuộc Yên Phong Bắc Ninh