Tổng số lượt xem trang

11/02/2013

CHUYỆN CỦA HOA ĐÀO


LẠI TÌM XUÂN VỚI HOA ĐÀO
Lại tìm xuân với hoa đào
Giữa chiều tết lạnh xôn xao tiếng lòng
Cành nào chan chứa sắc hồng
Cành nào thấm đỏ bềnh bồng trong mơ
Cành nào phai lạt bâng quơ
Cành nào tươi tắn đợi chờ trao xuân
Cành nào như thể chứng nhân
Thời gian ghi dấu bao lần trong thơ
Dịu dàng đàn nối dây tơ
Lại tìm xuân, lại tìm mơ hoa đào.

QUÉT XÁC HOA ĐÀO
Anh ngồi quét xác hoa đào
Gói mùa xuân lại gửi vào mênh mông
Chiều tàn theo ngọn gió đông
Đợi hoài đợi mãi người không trở về
Lối xưa, ai chắp câu thề
Rằng mai đây, mãi cận kề bên nhau
Ai dè “đắt lúa, rẻ cau”
Từ ngày hôm ấy…đã lâu không về
Các con thương suốt mùa hè
Sang mùa thu với bộn bề, tả tơi
Những ngày “cơm vãi, cơm rơi”
Có làm thay đổi cuộc đời cho ai (?)
Mơ chi tháng rộng, năm dài
Nối thêm kỳ hạn, phí hoài thanh xuân
Hoa đào nở được mấy lần
Để anh còn được một phần của em
Mơ hồ xuân lạ, xuân quen
Hoa đào đã rụng mà em chưa về (!)

TẬP VIẾT CHO CON
Cha ngồi tập viết cho con
Nét vuông nối với nét tròn cạnh nhau
Nét nào viết trước, viết sau
Bút xuân khẽ lướt khi mau, khi dầy
Nhớ nghe con béo hay gầy
Lâng châng mà chẳng sa lầy bùn nhơ
Nhớ nghe con tỏ hay mờ
Đừng làm hoen ố bao tờ trắng trong
Nhớ nghe con giữ thẳng dòng
Đừng quên kẻ vạch mà cong, mà chùng
Thiết tha, đằm thắm, thư hùng.
Tay con khéo lựa hòa cùng tay cha
Mai sau con lớn lên già
Chữ nhân, chữ nghĩa nhớ mà thẳng ngay
Âm thầm nét chữ, bàn tay
Cha ngồi cần mẫn mỗi ngày bên con  

07/02/2013

NGẮT NHỊP TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT

PHẦN TÌM HIỂU VỀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT
(Loạt bài tìm hiểu về thơ  của Lê Trọng Hồng)


1. NGẮT NHỊP TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Trong những bài viết trước đây tác giả đã có nhiều bài  tìm hiểu về luật thơ Đường luật, trong đó những yếu tố về vần, niêm, đối và về cấu trúc đề, thực, luận, kết. Tuy nhiên đó chỉ là những khuôn cữ để ta xếp thể loại mà thôi, còn những yếu tố chính của thơ chưa nói được gì nhiều. Cũng như các thể loại văn học khác, thơ vốn là những văn bản kiệm lời nhưng giầu hình tượng và rất giầu xúc cảm. Để có được điều đó không thể không nói đến vật liệu làm ra nó đó chính là ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ và nhịp điệu thơ. Cái mà người làm thơ muốn đó là khi ta đọc bài thơ ta như thấy từ bên trong sự sâu xa của hình ảnh của câu chữ những tình, những ý đầy xúc cảm trong thơ. Điều đó cho thấy những gì là khúc chiết là rõ ràng và mạch lạc sẽ làm mất đi bao cảm nhận phong phú của người đọc.
Dường như ai cũng biết thơ Đường luật xuất hiện ở Việt Nam từ khi người Việt còn dùng chữ nôm và chữ Hán. Nhiều bài thơ Đường luật còn đến ngày nay đều chưa có các dấu phân cách như trong văn bản tiếng Việt hiện nay. Cho dù  những câu thơ viết liền nhau từ đầu đến cuối vẫn không làm cho người viết sợ độc giả không hiểu được ý của nhà thơ và cũng như vậy các độc giả chả bao giờ phải tìm đến tác giả để hỏi xem tôi phải hiểu như thế nào vì tác giả và độc giả đều đã hiểu rằng thơ Đường luật có nhịp điệu riêng của nó thông qua cách ngắt nhịp quen thuộc ở từ thứ 2 hoặc từ thứ 4 trong câu. Hoàn toàn khác với cách ngắt nhịp ở từ thứ 3 và đôi khi ở từ thứ 5 của các câu thất trong thể thơ song thất lục bát.
Về thực tế trong nhìn nhận chung của các nhà thơ thì bài thơ Đường luật tốt nhất thường đạt được sự hài hòa trong âm thanh và nhịp điệu. Dẫn chứng cho điều này ta có thể xét 56 từ trong bài thơ nếu giữ được tỷ lệ 28 thanh bằng trên 28 thanh trắc thì bài thơ êm dịu và sâu lắng. Cũng như thế ta duy trì được duy nhất một chính vần thì bài thơ như nước chảy xuôi và nếu như trong mỗi câu thơ Đường luật ta giữ được tiết tấu: 4/3; 2/2/3 hoặc 2/5 thì bài thơ càng mềm mại và uyển chuyển như các ví dụ dưới đây

Ví dụ 1: Ngắt nhịp ở từ thứ hai trong câu (2/5)

Nhớ nước/ đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà/ mỏi miệng cái da da
      (Thơ Bà huyện Thanh Quan)

Ví dụ 2: Ngắt nhịp ở từ thứ tư trong các câu (4/3)

Bước tới đèo Ngang/ bóng xế tà
Cỏ cây chen đá/ lá chen hoa
Lom khom dưới núi/ tiều vài chú
Lác đác bên sông/ chợ mấy nhà
       (Thơ Bà huyện Thanh Quan)

Cũng đã có người bảo rằng: nếu như ta có thể ngắt nhịp 3/4 thì có khi gây được xúc cảm cao hơn kiểu ngắt nhịp truyền thống. Đây có phải là một phát kiến hay không thì chắc cũng chưa có nhiều người tán thành vì các tác giả thơ Đường luật cho rằng có nhiều thể loại thơ lắm, nếu như muốn thống thiết hơn, muốn hùng hồn hơn thì ta hãy làm thơ song thất lục bát, hoặc thơ tự do vv… lý gì cứ phải vận dụng vào thơ Đường luật cho vất vả (!). Dưới đây là vài ví dụ về cách ngắt nhịp trong thơ song thất lục bát
Ví dụ 1: Ngắt nhịp ở từ thứ 3 trong câu (3/4)

Chí làm trai/ dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn/ nhẹ tựa hồng mao

                        Hay là:
                       
Tiếng địch thổi/ nghe chừng đồng vọng,
Hàng cờ bay/ trong bóng phất phơ.
                 (Thơ Đoàn Thị Điểm)


2. Ý KIẾN SAU CÙNG
Qua những tư liệu nêu trên ta thấy cho dù là thơ nào thì người ta cũng nói đến luật của nó, phàm những yếu tố cần thiết mà không hội đủ thì chưa phải là thơ. Còn nói đến thơ Đường luật (cần nhấn mạnh chữ luật) thì phải kể hàng trăm, ngàn những bài dài có, ngắn có. Đâu là chuyện các nhà thơ Đường chính hiệu viết thơ theo dải trên và dải dưới, mỗi dải theo một niêm luật khác nhau. Cũng có bài thì cho rằng thơ Đường tuân thủ theo một niêm luật nhất định là những bài dùng trong thi cử vv…
Về những đề tài như thế này sai hay đúng thật khó mà thẩm định vì rằng không thấy ai nói rõ rằng có một người cụ thể nào đặt ra, càng không ai nói rằng một bộ phận cụ thể nào đặt ra mà chỉ thấy rằng luật này xuất hiện vào thời nhà Đường mà đặt thành như vậy. Tuy là mọi cái còn đang chưa rõ ràng nhưng nếu tập trung lại các ý kiến thì chắc không ai cho rằng thơ Đường luật tách khỏi những điều cần có, đó chính là thanh âm, là vần điệu, là niêm luật, là ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ.
Những người làm thơ Đường luật từ lâu đã hiểu đây là một thể thơ hơi buồn, thơ mang tính hoài niệm, đi vào chiều sâu nội tâm hơn là mang khí thế hừng hực bút chiến. Khi đọc bài thơ lên ta nghe đâu đó trong hơi thơ có sự dàn trải, nhấn nhá ngấm sâu vào lòng người để lại suy tư, trăn trở. Cũng đã có nhiều người bằng cách này hay cách khác dụng công để cho bài thơ có sức biểu đạt mạnh mẽ hơn nhưng cũng chỉ có tác dụng một thời rồi sau đó không còn nhiều người biết đến nữa.
Một trong những nghiên cứu có khá đông người cho quan điểm về nghệ thuật của thơ và đặc biệt bao trùm toàn bộ bài thơ Đường luật là “ý tại ngôn ngoại” vì thế sự chia tách mạch lạc trong thơ Đường luật chả hóa làm mất đi cái thần thái đó chăng. Qua những ý trên, nên chăng thơ Đường luật hãy cố gắng sắp xếp ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu của chính nó. Điều đó cho thấy chẳng cần thiết phải có các dấu phân cách, dấu biểu cảm trong thơ Đường luật

                                                                                Phả Lại ngày 15/01/2010