Tổng số lượt xem trang

06/10/2013

NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT

ĐỐI VÀ LUẬN TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT HẢI DƯƠNG
(Trích bài Một số nhận xét về nội dung và nghệ thuật tập thơ Khơi mạch Đường thi VI của LÊ HOA)

            Nói về đối và luận trong thơ Đường luật, quả thật vô cùng mênh mông, nhưng cũng không thể không bàn đến vì đối là một hình thức bắt buộc phải có trong thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Những người làm thơ Đường luật không ai không biết đến bài "Qua đèo Ngang" của bà Huyện Thanh Quan Nguyễn Thị Hinh. Trong bài này có hai cặp đối đọc lên nghe thật nuột nà về âm sắc và thấm đẫm nỗi lòng về nội dung. Thế nhưng đã có thời gian xuất hiện nhiều bài nghiên cứu về bài thơ này và một số tác giả lúc ấy cho rằng bài thơ này của bà đối chưa được chỉnh. Nhân đó cũng xin có một đôi điều bàn thêm trong tham luận hôm nay.
            Trước hết nói về cặp đối tả thực: "Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà" chúng ta nhận ra ngay cái sự không chỉnh ở chỗ Lom khom là động từ tả động tác, Lác đác là tính từ chỉ hình thái. Lại nữa Tiều vài chú chỉ về loài có tính hoạt động còn Chợ mấy nhà chỉ về quang cảnh cố định, điều này cho thấy sự chưa chỉnh của cặp đối. Trong văn học của mấy thập kỷ trước đã có người vận dụng sự chỉnh đối nhận định rằng "chợ mấy nhà" ở đây phải là "rợ mấy nhà" để Tiều đối với Rợ. Nhưng còn danh từ "nhà" và đại từ "chú" thì vẫn còn đó (!) Nếu cho sửa thì cặp đối phải là: "Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lúi húi bên sông bạc mấy thằng" mới thực là chỉnh. (bạc là người chài lưới đánh cá). Nhưng nếu cứ phải chỉnh mà sửa đi, sửa lại đến độ: "Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc/ Thánh sâu gươm vua gừng tam cò" thì đối chỉnh để được gì. Có thể bàn thêm về thơ của bà Huyện Thanh Quan trong bài Thăng Long thành hoài cổ với câu : "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương" cũng vậy; "lâu đài" chỉ có thể đối với "môn hộ" còn đối với "xe ngựa" thì không chỉnh. Vì vậy đối bắt buộc phải có cần chú ý đến sự đối ý, những cũng không bỏ qua sự đối về từ loại.
            Về thơ của Hải Dương ta, gần đây nhiều bài cũng đã có các cặp đối đã khá chỉnh, tuy nhiên mỗi tác giả cũng có đôi bài kém đối, nếu được gia công thêm thì chất lượng sẽ tiến bộ hơn lên. Để dẫn ra thì nhiều lắm, tuy nhiên cũng xin trích vài câu để chúng ta cùng vui. Ví như cặp câu: "Núi Chúa đứng nhìn trời tít tắp/ Sơn Trà nằm đợi biển mênh mông" trong bài Trở lại Hải Vân của Nguyễn Hải Hoà trang 60 Khơi mạch Đường thi (KMĐT) IV. Hay như cặp câu: "Góp sức cùng dân làm việc tốt/ Đồng tình với Đảng diệt trừ gian "trong bài Tự sự của Vũ Đăng Nụ trang 155 KMĐT IV. Hay cặp câu: "Thương mùa nắng hạ oi nồng đất/ Nhớ tiết mưa đông lạnh buốt trời" trong bài Nhớ của Trần Thị Yên trang 275 KMĐT IV vv...
            Phần tham luận thứ hai xin có đôi điều nói về luận trong thơ Đường luật. Cũng như nhiều học giả đã từng nói về các bước đề, thực, luận, kết trong sáng tác thơ Đương luật. Luận là phần quan trọng trong cấu tứ bài thơ. Nếu bài thơ không có luận thì người ta không biết bấu víu vào đâu để mà hiểu tác giả, có thể nói một cách khác, luận là cái tứ của bài thơ đó. Không có luận bài thơ không có hồn, tuy nhiên luận không đơn độc chỉ ở cặp câu thứ ba. Luận có thể trốn khỏi vị trí để xuất hiện ở vị trí khác khi một phần kết giúp nó làm bật lên cái tứ của bài thơ. Tuy nhiên luận phải xuất hiện đúng vị trí của nó nếu như bài thơ có kết mở. Những bài có luận rõ, luận sắc sảo vẫn là những bài thơ hay, làm xúc động lòng người.
            Cũng vẫn lấy bài thơ Qua đèo Ngang của bà Huyện làm ví dụ, ta có cặp luận "Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc/ Thương nhà mỏi miệng cái da da". Luận của Bà Huyện đặc biệt độc đáo ở chỗ lấy hiện thực qua tiếng kêu ra rả suốt hè và tích truyện cuốc mất nước rồi thêm chữ "đau lòng" vào đó để tỏ sự xót xa đến cùng cực của nỗi đau mất nước. Cũng như thế Bà Huyện lấy hiện thực qua tiếng kêu riết róng, đứt quãng và lặp đi, lặp lại nhiều lượt của chim đa đa rồi thêm vào đó hai từ "mỏi miệng" để mà bồn chồn day dứt về nỗi nhà. Từ đó toát lên cái tứ nhớ nước, thương nhà gửi gấm trong thơ, khi bà phải rời xa kinh thành, rời xa tổ ấm gia tộc để vào phương Nam xa xôi cách trở. Ví phỏng không có cặp luận này thì cặp kết mở "Dừng chân đứng lại trời non nước / Một mảnh tình riêng ta với ta" có thể nói được gì sau những câu đề, câu thực của bài thơ.
            Cũng trong vấn đề luận, phần đông các tác giả hiện nay sáng tác thơ Đường luật thường kéo tràn thực qua cả cặp câu thứ ba với chủ ý trốn luận, như thế thì bài thơ giống thơ vịnh nhiều hơn. Tuy nhiên bảo trốn luận hoàn toàn thì chưa hẳn, vì nếu xét kỹ ta thấy nhiều bài thơ, cặp thực không chỉ tả cảnh mà còn diễn tả cảm xúc, diễn tả nội tâm, sự chồng chận của cảm xúc, nội tâm trong hai câu sau có tác dụng nhấn mạnh, bật ra chủ ý của tác giả và như thế bài thơ đã có luận. Ví dụ như hai cặp câu hai và ba trong bài Cảm xuân của Nguyễn Hải Bắc trang 14 KMĐT III:

Đào, mai hớn hở cười khoe sắc
Quỳnh, cúc mong chờ nở rộ bông
Phố xá đường ngang người tới chợ
Làng quê bến nước khách sang sông

            Cả bốn câu đều vẽ cảnh xuân, với hai câu trên đã cho thấy xuân vui. Khi có thêm hai câu dưới nói về sự đi lại của người tới chợkhách sang sông cho thấy xuân tươi vui và rộn rã đang tràn ngập  trong lòng tác giả.
            Vài năm gần đây cũng đã có những ý kiến cho rằng luận có thể mở rộng ra tất cả các câu trong bài thơ. Nói một cách khác là trong mỗi câu đều đã có nỗi niềm của tác giả gửi gấm ở trong đó. Những bài thơ như thế quả là rất đáng quý và khá hiếm. Trong tham luận này muốn dẫn ra bài thơ Chạy Tây của cụ Đồ Chiểu làm ví dụ.

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất tổ bày chim dáo dát bay
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh nứa nhuốm màu mây
Nhân tài đất nước rày đâu vắng
Nỡ để dân đen mắc nạn này.

            Cả tám câu đều có nửa đầu tả thực và luận ngay ở nửa sau. Mỗi câu đọc lên đều thấy buồn đến trào nước mắt. Tập hợp toàn bộ lại thấy ngay sự đau xót bởi nỗi giặc dữ đã vào, nước mất, nhà tan, tổ vỡ, người và vật đều tan tác. Càng đau đớn hơn khi bao kẻ ăn lộc nước đều mất tăm hơi .
            Bài thứ hai muốn xin được dẫn là bài Vua phật của Vũ Đăng Nụ trang 146 KMĐT III

Dẹp xong xâm lược đến tu thân
Bỏ chốn ngai vàng tới Trúc Lâm
Mặc áo nhện chăng vào Suối Tắm
Đi giầy cỏ bện xuống Am Vân
Sớm lên Long Động tu thiền định
Chiều lại Hoa Yên trút bụi trần
Chính quả là đây vua hoá phật
Nhân thường vì quả, quả vì nhân.

            Một loạt sự việc được thống kê tưởng như rất dàn trải nhưng trong mỗi câu đã có sự đối lập của vế trước với vế sau. Những việc trái với tự nhiên gây phản cảm làm bật lên sự khác biệt của một nhân cách. Một nhân cách đặc biệt với việc từ bỏ quyền bính, sang trọng, sung sướng, đông vui để đến với đời thường kham khổ, cô đơn, heo hút. Đến khi hai câu kết xuất hiện thì tất cả các câu trong bài càng rực sáng lên.
            Thơ Đường luật của Hải Dương ta đến nay đã có cả ngàn bài, nhiều bài có tứ hay và độc đáo, tuy nhiên để có những bài có luận rõ, luận sắc sảo thì cũng còn hiếm. Đa số các bài thơ đều có dáng dấp của thơ vịnh sau đó gửi vào đó một cái kết giản dị, dễ hiểu, ý tại ngôn từ. Tuy nhiên cũng có không ít bài đã có luận khá sắc sảo và cũng tập trung ở các tác giả có nhiều năm sáng tác và chịu khó học tập.  Chỉ cần đọc lên thấy xao xuyến, vui buồn với thơ thì thế cũng đã tốt lắm rồi.
            Lại nói về đánh giá và chọn thơ hay, nhất là thơ Đường luật có lẽ cũng nên nhằm vào cái cấu trúc cơ bản về luật thơ kết hợp với sự cảm thụ thì chắc chắn sẽ có những bài thơ thật hay, đọng lại trong lòng mọi người như thơ của Bà Huyện Thanh Quan, thơ của Nguyễn Khuyến và đặc biệt là thơ của Hồ Xuân Hương nữ sĩ.



THƠ CỦA THÁNG 10

TƯỚNG CỦA LÒNG DÂN
(Kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Thêm một ngôi sao cháy hết mình
Trên mười thập kỷ sáng lung linh
Chép dòng quốc sử trao con trẻ
Phát lệnh tiến công gửi chiến binh
Đánh Pháp, Pháp hàng lòng vẫn sợ
Đuổi Sam, Sam chạy dạ còn kinh
Lấy văn làm võ, văn thành võ
Tướng của lòng dân mãi trọn tình


13/09/2013

THƠ TRONG THÁNG 9/2013

NHỚ CỐ NHÂN
(Nhớ về người cũ làng Đông Hội)
Xa cách từ lâu bóng cố nhân
Chỉ mong gặp được một đôi lần
Tưởng khi nắm tóc thề bên giếng
Nhớ lúc cầm tay hẹn cuối sân
Bén tiếng chỉ chờ ngày dạm ngõ
Quen hơi còn đợi buổi cầu thân
Chiến tranh ngáng trở tình trang lứa
Từ ấy đôi đường phải cách phân


HƯƠNG TÌNH
(Họa thơ Sĩ Quý)
Đã lâu mới có dịp về chơi
Lại nhớ khi xưa đứng giữa trời
Háo hức nằm chờ vầng nguyệt rụng
Ước ao ngồi đợi ánh sao rơi
Câu thơ đằm thắm gieo muôn ý
Khúc nhạc du dương gói vạn lời
Khoảng cách tình yêu càng gắn bó
Bao la bát ngát giữa ngàn khơi

CỐ NHÂN

Còn đó bên trời tiếng sáo ngân
Đầm sen hoa trắng nở trong ngần
Sáng neo thuyền đợi mong nhìn trộm
Đêm thức chờ trăng muốn đứng gần
Mấy độ chia tay không ước hẹn
Bao lần gặp mặt chẳng cầu thân
Nào ai biết được lòng ai đó
Đành nhẽ đau buồn gọi cố nhân

KHÚC HƯU NHÀN

Hưu nhàn bày vẽ chuyện rong chơi
Dạo khắp non sông khắp đất trời
Hạ đến nằm nghe đuôi cá quẫy
Thu về ngồi ngắm lá vàng rơi
Câu thơ đằm thắm gieo muôn cảnh
Khúc nhạc du dương tỏ vạn lời
Một giấc say mềm bên ghế đá
Thấy mình lướt sóng giữa ngàn khơi

HỨNG DỪA

(Nhân xem tranh Hứng dừa)
Ngày ấy lên đường đến xứ tranh
Vườn dừa trĩu quả kín thân cành
Trái tơ anh hái chưa chịu rụng
Váy cũ em giăng chắc vẫn lành
Ngửa mặt nhìn trời trời đã đỏ
Cúi đầu ngắm đất đất càng xanh
Kìa ai vui thú trên khuôn gỗ
Còn mãi ngàn năm một bức tranh

NHỚ VỀ QUÊ MẸ

(Nhớ về Châu Can Cầu Giẽ)
Muốn về quê mẹ đã từ lâu
Lần lữa phân vân đến bạc đầu
Gốc gác mịt mờ dò chửa thấy
Họ hàng mai một biết tìm đâu
Đã đành loạn lạc khôn mong mỏi
Vẫn biết gian nan khó ngưỡng cầu
Muôn sự ở đời không tính được
Mà sao lòng vẫn nặng u sầu

CHIỀU QUÊ

Ruộng mới bừa xong đất mịn màng
Đồng chiều xa tắp rộng mênh mang
Làn mây lơ lửng buông rèm trắng
Bóng nắng lung linh rải nhiễu vàng
Lốm đốm áo hoa chen lối dọc
Rập rờn nón lá nối hàng ngang
Chiều quê bình lặng như muôn thuở
Bất chợt trong ta thấy ngỡ ngàng

TẾT MƯA

Tết đã lanh canh gõ trước nhà
Thế mà khói bếp chửa lên a
Chắc gân gạo nếp còn chưa nhuyễn
Hay cuộng giong xanh đã quá già
Gió đẩy hiên tre kêu loạt xoạt
Mưa tràn ngõ đất ngập bùn hoa
Chắc xuân mệt mỏi còn đang ngủ
Nên cửa nhà ai chửa hé ra

CỔ THÀNH

Lịch sử nằm sâu dưới Cổ Thành
Một vùng khảo cứu uốn vòng quanh
Hoa văn tảng cũ còn nguyên vẹn
Nét khắc bia xưa vẫn rõ rành
Móng gạch nối nhau dăm bẩy lớp
Giếng xây chồng chận bốn năm vành
Mới hay quá khứ còn in đấu
Lịch sử nằm sâu dưới Cổ Thành

CHUYỆN CÙNG HÒN NẸ

(Họa thơ Nguyễn Thị Nam TĐĐV)
Hòn Nẹ từ xưa vẫn ở đây
Hoàng hôn nhuộm đỏ hắt lên mây
Tiền tiêu giữ biển từng xung trận
Điểm tựa canh trời đã dựng xây
Chiến hạm rình mò trôi mất xác
Tầu bay cắn trộm vỡ tan thây
Đất liền biển đảo luôn chờ sẵn
Giặc cướp xông vào quét sạch ngay

ĐỌC “NỬA VẦNG TRĂNG”

(Họa thơ Nguyễn Thị Nam TĐĐV)
Hoàng hôn nhuộm đỏ cuối trời xa
Ai đó gửi thư kể chuyện già
Sáng sáng hẹn hò cùng cổ luật
Chiều chiều tình tự với cầm ca
Gắng công nén lại quên mây gió
Rán sức co về trốn nguyệt hoa
Mỗi đọc một đau đời thiếu phụ
Chỉ mong có dịp đến thăm nhà

LAI VỀ THĂM CHỢ VƯỜN HOA

(Nhân về ngày thơ Thanh Hóa)
Lại về thăm thú chợ Vườn Hoa
Hàng hóa treo cao tận mái nhà
Cây trái Thọ Xuân xuôi buổi sớm
Cá tôm Ngư Lộc đến chiều qua
Áo quần mốt mới say lòng trẻ
Rượu gạo thơm tho ấm bụng già
Phố xá đông vui như mở hội
Câu thơ thuận bút viết theo đà

TẾT RƯỢU

(Tết ai đến để cho ai)
Tết đã bon bon đến cạnh nhà
Thế mà cổng chửa mở toang a
Chắc cơn mộng mị còn chưa chín
Hay giấc hoàng lương vẫn chửa già
Tí tách mưa dầm đào nảy lộc
Lâm thâm rét ngọt mận đơm hoa
Tiếc xuân ngồn ngộn bày trên chiếu
Rượu uống say rồi chẳng muốn ra

XUÂN LẠNH

(Xuân 2007)
Lạnh thế mà xuân cũng đến a
Mưa dầm gió bấc phủ quang nhà
Đầu hồi trống trếnh như diều sáo
Hèm cửa vênh vao tựa mõ già
Quất đỏ vừa tô treo trĩu trái
Đào hồng mới vẽ chạt đầy hoa
Bao xuân dồn hết về đây cả
Đã vậy cần chi mở cửa ra

NHỚ VỀ PHỐ CŨ

(Nhớ về Hà Nội xuân 2008)
Đã trải phong trần khắp bốn phương
Vẫn không quên nổi những con đường
Nhạt nhòa cầu cũ vầng trăng rụng
Lấp loáng hồ xưa giọt nắng vương
Tháp Bút chọc trời che bóng nắng
Đài Nghiên trải rộng tỏa hơi sương
Một thời kỷ niệm bao nồng ấm
Để lại trong lòng vạn nhớ thương

THƠ XANH

(Viết chi cho lắm cho nhiều)
Vườn cũ sương mờ khách vắng tanh
Trăng vàng phủ kín những thân cành
Đôi ba tiếng vạc chia sầu muộn
Dăm bảy giọng trùng bám quẩn quanh
Lòng đã thênh thang nơi gác tía
Dạ còn vương vấn chốn lều tranh
Giọt sương nhè nhẹ rơi trên lá
Thơ viết ngàn trang tứ vẫn xanh

VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ

(Cổ Loa tháng 8/2001)
Nắng hạ soi vàng cả đồi nương
Một mình lặng lẽ giữa sân trường
Xà cừ nảy nụ xum xuê bóng
Sa mộc đơm hoa tỏa ngát hương
Lưu bút thiết tha trao ước vọng
Ảnh hình thân mật gửi tơ vương
Bốn mươi năm lẻ vừa quay lại
Cảnh vật dâng trào nỗi nhớ thương

GỬI MÂY ĐƯỜNG TƠ

(Tặng Nguyễn Thị Nam)
May mắn vì đâu một áng thơ
Để quen người chửa gặp bao giờ
Đã từng trước mặt còn chưa ngỏ
Huống lúc sau lưng chỉ khép hờ
Hạt cát qua truông gờm vách núi
Cành lau xuống thác ngại đôi bờ
Chút tình bé nhỏ mong gìn giữ
Dù chỉ đơn sơ gửi mấy tờ

THƯ ĐÃ ĐỌC RỒI

(Họa bài Bức thư định gửi)
Thơ bạn hôm nay đã đọc rồi
Lòng còn vương vấn mãi không thôi
Người ngoan đã muốn đem trao ý
Kẻ xạo đành theo phải gửi lời
Cái nhẽ thường tình quen thế vậy
Gặp khi trái khoáy khó lòng vui
Mới hay mọi sự không toàn vẹn
Thư bạn hôm nay đã đọc rồi

GỬI VỀ XỨ NGHỆ

Gửi về xứ Nghệ một tình yêu
Nói ít mong ai đó hiểu nhiều
Héo dạ khêu mưa khi chợn rợn
Mặc lòng thả lửa lúc phiêu diêu
Khơi tình ngắm nụ khi mờ sáng
Cạn lý xem hoa lúc xế chiều
Có gặp được đâu mà ước hẹn
Nên đành mượn bút thả lời yêu

VẬN THƠ  BÀ CHÚA

(Nhân nghe nói về quê bà chúa)
Bà Chúa Thơ Nôm đã mất rồi
Chỉ còn cái bóng ở đây thôi
Đời trai vất vả đau bao thuở
Kiếp gái truân chuyên cực mấy hồi
Chỉ ngại người quen đòi nợ khuyêt
Lại thương kẻ lạ vướng duyên bồi
Nét quê khéo vận hòa trong cảnh
Để những miền thơ lại nảy chồi

CHO RỒI CHƯA CHO LẠI CHO RỒI

(Vận theo cách nói của người xứ Nghệ)
Thư này chắc sẽ đến Quỳnh Đôi
Mặc kệ nhân gian khéo thả mồi
Khoảng cách hai miền không ngắn lại
Mối giây tình cảm vẫn hòa đôi
Đã từng nếm trải miền hy vọng
Còn tưởng chi đâu đoạn tái hồi
Một tiếng tơ lòng vương ngó ý
Cầu mong muôn sự trọn cho rồi

TẾT RƯỢU

(Tết ai đến để cho ai)
Tết đã bon bon đến cạnh nhà
Thế mà cổng chửa mở toang a
Chắc cơn mộng mị còn chưa chín
Hay giấc hoàng lương vẫn chửa già
Tí tách mưa dầm đào nảy lộc
Lâm thâm rét ngọt mận đơm hoa
Tiếc xuân ngồn ngộn bày trên chiếu
Rượu uống say rồi chẳng muốn ra



01/07/2013

MÙA HẠ

CHIA TAY MÙA HẠ
(Họa thơ Xuân Nghiệp)
Gió hạ thổi khô mọi tuyết sương
Chập chờn trước mặt cánh hoa vương
Người về biển rộng muôn trùng sóng
Kẻ đến non cao vạn dặm đường
Buồn lúc chia tay nhòe mí mắt
Nhớ khi kề cận tóc thơm hương
Gặp nhau gắn bó rồi ly biệt
Để lại cho đời lắm tiếc thương

KHÚC HƯU NHÀN
Hưu nhàn bày vẽ chuyện rong chơi
Dạo khắp non sông khắp đất trời
Hạ đến ra xem làn nước chảy
Thu về ngồi ngắm lá vàng rơi
Câu thơ đằm thắm gieo muôn cảnh
Khúc nhạc du dương tỏ vạn lời
Một giấc say mềm bên ghế đá
Thấy mình lướt sóng giữa ngàn khơi

GẶP HẠ
(Hoạ bài Chớm Hạ của Đức Tiến)
Từng đợt heo may đã tạnh rồi
Chỉ còn hạ nóng mãi khôn nguôi
Chia ly ngày ấy mưa tràn núi
Gặp lại hôm nay nắng ngập trời
Lối cũ mơn man làn gió thoảng
Vườn xưa nhoà nhạt ánh trăng lơi
Bâng khuâng giở lại vần thơ cũ
Một mảnh hoa tiên gói vạn lời

NGẮM CẢNH CHÍ LINH
Một sáng hè vui tới Chí Linh
Núi non yên ả gợi bao tình
Bàn Cờ thế cuộc chưa ngơi nghỉ
Bãi Đá thời gian vẫn nín thinh
Rừng trúc gió qua khua lắc cắc
Suối rêu nước chảy gợn rung rinh
Đồi xa tít tắp mùa hoa vải
Lớp lớp rừng non mới tái sinh

HÈ CHÍ LINH
 (Hoạ  thơ Kim Cúc)
Trở lại Chí Linh một sáng hè
Ngỡ như lạc giữa cả rừng ve
Chùa Hun sáng bảnh mây cao tít
Bến Nấu trưa tràn khách vắng hoe
Lớp lớp sông Thương phơi yếm lụa
Tầng tầng núi Phượng rải màn the
Nước non kỳ vĩ như thay mới
Một dải Quỳnh Sơn mãi chở che

22/05/2013

THÁNG 5 NĂM 2013


TRỞ LẠI TRƯỜNG SƠN
Bất ngờ trở lại Trường Sơn
Nghe câu hát cũ trong cơn mưa chiều
Người về thêm những lời yêu
Để hồn thơ với bao điều nhớ nhung
Núi non muôn lớp chập chùng
Gái trai thuở ấy thề cùng nước non
Tháng năm dằng dặc mỏi mòn
Vết thương ngày cũ vẫn còn đớn đau
Khấn thầm đồng đội ở đâu
Chiều nay xin hãy cùng nhau trở về

TÂM SỰ CÙNG XOÀI
Cây xoài đã lại ra hoa
Thêm mùa xuân nữa thế là mười năm
Mẹ già giờ đã xa xăm
Cây xoài chẳng có ai chăm mỗi ngày
Rào tre đâu thể chất đây
Trái chua mời gọi cả bầy trẻ thơ
Cây xoài đứng đó chơ vơ
Tuổi mười lăm lúc bấy giờ … khẽ thôi!
Mười năm giờ đã xa xôi
Ớt cay, muối mặn thế rồi... dần xa
Lại nghe ai đó (?) thoáng qua
“Nhớ ăn in ít kẻo mà sún răng”
Mười năm rồi... đã mười năm!
Lại nghe tiếng mẹ xa xăm thuở nào.

24/03/2013

GỬI VỀ THANH HÓA NHÂN NGÀY HỘI THƠ ĐƯỜNG


THANH HÓA
Thanh Hóa giờ đây đã khác rồi
Thị thành làng xóm mới tinh khôi
Hà Trung trải rộng xanh màu lúa
Hoằng Hóa vươn cao trắng sắc vôi
Nông Cống hàng lên càng tấp nập
Quảng Xương khách đến vẫn đông vui
Quê hương rộn rã  như vào hội
Dòng chảy thời gian mải miết trôi

LỊCH SỬ OAI HÙNG
Trở lại quê Thanh buổi sớm nay
Đồng chiêm mới cấy lúa đan dầy 
Long Quang động cũ thơ còn đó
Hòn Ngọc núi xưa tích vẫn đây
Nam Ngạn bến thuyền vừa dựng lại
Đình Hương phố xá đã đang xây
Một thời đánh giặc gương ngời sáng
Lịch sử oai hùng rạng rỡ thay

TRỞ LẠI HÀM RỒNG
Mấy chục năm nay mới trở về
Hàm Rồng vẫn nối giữa hai đê
Lối xưa Đông Tác vui làng xóm
Đường mới Hoàng Long rộn phố quê
Đánh giặc cha ông từng dũng cảm
Dựng xây con cháu lắm say mê
Ước mơ hạnh phúc từ năm ấy
Mấy chục năm nay mới trở về

ĐỔI NGHỀ
Lại trở về thăm đá Núi Nhồi
Nhớ hoài ngày tháng đã xa xôi
Tiếng mìn phá đá đau hồn núi
Ngọn khói lò nung đắng vị vôi
Rời bỏ nghề xưa buồn mấy đận
Tìm công việc mới biết bao hồi
Theo lời Đảng gọi xây đời mới
Phố núi giờ đây đổi khác rồi

GẶP XUÂN
Gặp xuân từ ấy nặng lòng thương
Bến lạ sông quen nối dặm đường
Cứ tưởng vườn đào còn thắm sắc
Đâu ngờ ngõ mận đã phai hương
Sân vôi lá rụng dầm mưa nắng
Ngõ gạch rêu phong gội gió sương
Vẫn biết ngày xưa không trở lại
Sao lòng ai đó mãi tơ vương

DU XUÂN
Mặt hồ gợn sóng tím trong sương
Cây trái xum xuê khắp bản mường
Rừng vải đơm hoa soi đáy nước
Đồi thông gió thổi hát du dương
Vầng mây lờ lững xanh triền núi
Bóng nắng chăng tơ tím mặt đường
Lữ khách du xuân vừa cập bến
Đào mai nở rộ ngát thơm hương

11/02/2013

CHUYỆN CỦA HOA ĐÀO


LẠI TÌM XUÂN VỚI HOA ĐÀO
Lại tìm xuân với hoa đào
Giữa chiều tết lạnh xôn xao tiếng lòng
Cành nào chan chứa sắc hồng
Cành nào thấm đỏ bềnh bồng trong mơ
Cành nào phai lạt bâng quơ
Cành nào tươi tắn đợi chờ trao xuân
Cành nào như thể chứng nhân
Thời gian ghi dấu bao lần trong thơ
Dịu dàng đàn nối dây tơ
Lại tìm xuân, lại tìm mơ hoa đào.

QUÉT XÁC HOA ĐÀO
Anh ngồi quét xác hoa đào
Gói mùa xuân lại gửi vào mênh mông
Chiều tàn theo ngọn gió đông
Đợi hoài đợi mãi người không trở về
Lối xưa, ai chắp câu thề
Rằng mai đây, mãi cận kề bên nhau
Ai dè “đắt lúa, rẻ cau”
Từ ngày hôm ấy…đã lâu không về
Các con thương suốt mùa hè
Sang mùa thu với bộn bề, tả tơi
Những ngày “cơm vãi, cơm rơi”
Có làm thay đổi cuộc đời cho ai (?)
Mơ chi tháng rộng, năm dài
Nối thêm kỳ hạn, phí hoài thanh xuân
Hoa đào nở được mấy lần
Để anh còn được một phần của em
Mơ hồ xuân lạ, xuân quen
Hoa đào đã rụng mà em chưa về (!)

TẬP VIẾT CHO CON
Cha ngồi tập viết cho con
Nét vuông nối với nét tròn cạnh nhau
Nét nào viết trước, viết sau
Bút xuân khẽ lướt khi mau, khi dầy
Nhớ nghe con béo hay gầy
Lâng châng mà chẳng sa lầy bùn nhơ
Nhớ nghe con tỏ hay mờ
Đừng làm hoen ố bao tờ trắng trong
Nhớ nghe con giữ thẳng dòng
Đừng quên kẻ vạch mà cong, mà chùng
Thiết tha, đằm thắm, thư hùng.
Tay con khéo lựa hòa cùng tay cha
Mai sau con lớn lên già
Chữ nhân, chữ nghĩa nhớ mà thẳng ngay
Âm thầm nét chữ, bàn tay
Cha ngồi cần mẫn mỗi ngày bên con  

07/02/2013

NGẮT NHỊP TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT

PHẦN TÌM HIỂU VỀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT
(Loạt bài tìm hiểu về thơ  của Lê Trọng Hồng)


1. NGẮT NHỊP TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Trong những bài viết trước đây tác giả đã có nhiều bài  tìm hiểu về luật thơ Đường luật, trong đó những yếu tố về vần, niêm, đối và về cấu trúc đề, thực, luận, kết. Tuy nhiên đó chỉ là những khuôn cữ để ta xếp thể loại mà thôi, còn những yếu tố chính của thơ chưa nói được gì nhiều. Cũng như các thể loại văn học khác, thơ vốn là những văn bản kiệm lời nhưng giầu hình tượng và rất giầu xúc cảm. Để có được điều đó không thể không nói đến vật liệu làm ra nó đó chính là ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ và nhịp điệu thơ. Cái mà người làm thơ muốn đó là khi ta đọc bài thơ ta như thấy từ bên trong sự sâu xa của hình ảnh của câu chữ những tình, những ý đầy xúc cảm trong thơ. Điều đó cho thấy những gì là khúc chiết là rõ ràng và mạch lạc sẽ làm mất đi bao cảm nhận phong phú của người đọc.
Dường như ai cũng biết thơ Đường luật xuất hiện ở Việt Nam từ khi người Việt còn dùng chữ nôm và chữ Hán. Nhiều bài thơ Đường luật còn đến ngày nay đều chưa có các dấu phân cách như trong văn bản tiếng Việt hiện nay. Cho dù  những câu thơ viết liền nhau từ đầu đến cuối vẫn không làm cho người viết sợ độc giả không hiểu được ý của nhà thơ và cũng như vậy các độc giả chả bao giờ phải tìm đến tác giả để hỏi xem tôi phải hiểu như thế nào vì tác giả và độc giả đều đã hiểu rằng thơ Đường luật có nhịp điệu riêng của nó thông qua cách ngắt nhịp quen thuộc ở từ thứ 2 hoặc từ thứ 4 trong câu. Hoàn toàn khác với cách ngắt nhịp ở từ thứ 3 và đôi khi ở từ thứ 5 của các câu thất trong thể thơ song thất lục bát.
Về thực tế trong nhìn nhận chung của các nhà thơ thì bài thơ Đường luật tốt nhất thường đạt được sự hài hòa trong âm thanh và nhịp điệu. Dẫn chứng cho điều này ta có thể xét 56 từ trong bài thơ nếu giữ được tỷ lệ 28 thanh bằng trên 28 thanh trắc thì bài thơ êm dịu và sâu lắng. Cũng như thế ta duy trì được duy nhất một chính vần thì bài thơ như nước chảy xuôi và nếu như trong mỗi câu thơ Đường luật ta giữ được tiết tấu: 4/3; 2/2/3 hoặc 2/5 thì bài thơ càng mềm mại và uyển chuyển như các ví dụ dưới đây

Ví dụ 1: Ngắt nhịp ở từ thứ hai trong câu (2/5)

Nhớ nước/ đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà/ mỏi miệng cái da da
      (Thơ Bà huyện Thanh Quan)

Ví dụ 2: Ngắt nhịp ở từ thứ tư trong các câu (4/3)

Bước tới đèo Ngang/ bóng xế tà
Cỏ cây chen đá/ lá chen hoa
Lom khom dưới núi/ tiều vài chú
Lác đác bên sông/ chợ mấy nhà
       (Thơ Bà huyện Thanh Quan)

Cũng đã có người bảo rằng: nếu như ta có thể ngắt nhịp 3/4 thì có khi gây được xúc cảm cao hơn kiểu ngắt nhịp truyền thống. Đây có phải là một phát kiến hay không thì chắc cũng chưa có nhiều người tán thành vì các tác giả thơ Đường luật cho rằng có nhiều thể loại thơ lắm, nếu như muốn thống thiết hơn, muốn hùng hồn hơn thì ta hãy làm thơ song thất lục bát, hoặc thơ tự do vv… lý gì cứ phải vận dụng vào thơ Đường luật cho vất vả (!). Dưới đây là vài ví dụ về cách ngắt nhịp trong thơ song thất lục bát
Ví dụ 1: Ngắt nhịp ở từ thứ 3 trong câu (3/4)

Chí làm trai/ dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn/ nhẹ tựa hồng mao

                        Hay là:
                       
Tiếng địch thổi/ nghe chừng đồng vọng,
Hàng cờ bay/ trong bóng phất phơ.
                 (Thơ Đoàn Thị Điểm)


2. Ý KIẾN SAU CÙNG
Qua những tư liệu nêu trên ta thấy cho dù là thơ nào thì người ta cũng nói đến luật của nó, phàm những yếu tố cần thiết mà không hội đủ thì chưa phải là thơ. Còn nói đến thơ Đường luật (cần nhấn mạnh chữ luật) thì phải kể hàng trăm, ngàn những bài dài có, ngắn có. Đâu là chuyện các nhà thơ Đường chính hiệu viết thơ theo dải trên và dải dưới, mỗi dải theo một niêm luật khác nhau. Cũng có bài thì cho rằng thơ Đường tuân thủ theo một niêm luật nhất định là những bài dùng trong thi cử vv…
Về những đề tài như thế này sai hay đúng thật khó mà thẩm định vì rằng không thấy ai nói rõ rằng có một người cụ thể nào đặt ra, càng không ai nói rằng một bộ phận cụ thể nào đặt ra mà chỉ thấy rằng luật này xuất hiện vào thời nhà Đường mà đặt thành như vậy. Tuy là mọi cái còn đang chưa rõ ràng nhưng nếu tập trung lại các ý kiến thì chắc không ai cho rằng thơ Đường luật tách khỏi những điều cần có, đó chính là thanh âm, là vần điệu, là niêm luật, là ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ.
Những người làm thơ Đường luật từ lâu đã hiểu đây là một thể thơ hơi buồn, thơ mang tính hoài niệm, đi vào chiều sâu nội tâm hơn là mang khí thế hừng hực bút chiến. Khi đọc bài thơ lên ta nghe đâu đó trong hơi thơ có sự dàn trải, nhấn nhá ngấm sâu vào lòng người để lại suy tư, trăn trở. Cũng đã có nhiều người bằng cách này hay cách khác dụng công để cho bài thơ có sức biểu đạt mạnh mẽ hơn nhưng cũng chỉ có tác dụng một thời rồi sau đó không còn nhiều người biết đến nữa.
Một trong những nghiên cứu có khá đông người cho quan điểm về nghệ thuật của thơ và đặc biệt bao trùm toàn bộ bài thơ Đường luật là “ý tại ngôn ngoại” vì thế sự chia tách mạch lạc trong thơ Đường luật chả hóa làm mất đi cái thần thái đó chăng. Qua những ý trên, nên chăng thơ Đường luật hãy cố gắng sắp xếp ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu của chính nó. Điều đó cho thấy chẳng cần thiết phải có các dấu phân cách, dấu biểu cảm trong thơ Đường luật

                                                                                Phả Lại ngày 15/01/2010