Tổng số lượt xem trang

06/10/2013

NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT

ĐỐI VÀ LUẬN TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT HẢI DƯƠNG
(Trích bài Một số nhận xét về nội dung và nghệ thuật tập thơ Khơi mạch Đường thi VI của LÊ HOA)

            Nói về đối và luận trong thơ Đường luật, quả thật vô cùng mênh mông, nhưng cũng không thể không bàn đến vì đối là một hình thức bắt buộc phải có trong thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Những người làm thơ Đường luật không ai không biết đến bài "Qua đèo Ngang" của bà Huyện Thanh Quan Nguyễn Thị Hinh. Trong bài này có hai cặp đối đọc lên nghe thật nuột nà về âm sắc và thấm đẫm nỗi lòng về nội dung. Thế nhưng đã có thời gian xuất hiện nhiều bài nghiên cứu về bài thơ này và một số tác giả lúc ấy cho rằng bài thơ này của bà đối chưa được chỉnh. Nhân đó cũng xin có một đôi điều bàn thêm trong tham luận hôm nay.
            Trước hết nói về cặp đối tả thực: "Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà" chúng ta nhận ra ngay cái sự không chỉnh ở chỗ Lom khom là động từ tả động tác, Lác đác là tính từ chỉ hình thái. Lại nữa Tiều vài chú chỉ về loài có tính hoạt động còn Chợ mấy nhà chỉ về quang cảnh cố định, điều này cho thấy sự chưa chỉnh của cặp đối. Trong văn học của mấy thập kỷ trước đã có người vận dụng sự chỉnh đối nhận định rằng "chợ mấy nhà" ở đây phải là "rợ mấy nhà" để Tiều đối với Rợ. Nhưng còn danh từ "nhà" và đại từ "chú" thì vẫn còn đó (!) Nếu cho sửa thì cặp đối phải là: "Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lúi húi bên sông bạc mấy thằng" mới thực là chỉnh. (bạc là người chài lưới đánh cá). Nhưng nếu cứ phải chỉnh mà sửa đi, sửa lại đến độ: "Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc/ Thánh sâu gươm vua gừng tam cò" thì đối chỉnh để được gì. Có thể bàn thêm về thơ của bà Huyện Thanh Quan trong bài Thăng Long thành hoài cổ với câu : "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương" cũng vậy; "lâu đài" chỉ có thể đối với "môn hộ" còn đối với "xe ngựa" thì không chỉnh. Vì vậy đối bắt buộc phải có cần chú ý đến sự đối ý, những cũng không bỏ qua sự đối về từ loại.
            Về thơ của Hải Dương ta, gần đây nhiều bài cũng đã có các cặp đối đã khá chỉnh, tuy nhiên mỗi tác giả cũng có đôi bài kém đối, nếu được gia công thêm thì chất lượng sẽ tiến bộ hơn lên. Để dẫn ra thì nhiều lắm, tuy nhiên cũng xin trích vài câu để chúng ta cùng vui. Ví như cặp câu: "Núi Chúa đứng nhìn trời tít tắp/ Sơn Trà nằm đợi biển mênh mông" trong bài Trở lại Hải Vân của Nguyễn Hải Hoà trang 60 Khơi mạch Đường thi (KMĐT) IV. Hay như cặp câu: "Góp sức cùng dân làm việc tốt/ Đồng tình với Đảng diệt trừ gian "trong bài Tự sự của Vũ Đăng Nụ trang 155 KMĐT IV. Hay cặp câu: "Thương mùa nắng hạ oi nồng đất/ Nhớ tiết mưa đông lạnh buốt trời" trong bài Nhớ của Trần Thị Yên trang 275 KMĐT IV vv...
            Phần tham luận thứ hai xin có đôi điều nói về luận trong thơ Đường luật. Cũng như nhiều học giả đã từng nói về các bước đề, thực, luận, kết trong sáng tác thơ Đương luật. Luận là phần quan trọng trong cấu tứ bài thơ. Nếu bài thơ không có luận thì người ta không biết bấu víu vào đâu để mà hiểu tác giả, có thể nói một cách khác, luận là cái tứ của bài thơ đó. Không có luận bài thơ không có hồn, tuy nhiên luận không đơn độc chỉ ở cặp câu thứ ba. Luận có thể trốn khỏi vị trí để xuất hiện ở vị trí khác khi một phần kết giúp nó làm bật lên cái tứ của bài thơ. Tuy nhiên luận phải xuất hiện đúng vị trí của nó nếu như bài thơ có kết mở. Những bài có luận rõ, luận sắc sảo vẫn là những bài thơ hay, làm xúc động lòng người.
            Cũng vẫn lấy bài thơ Qua đèo Ngang của bà Huyện làm ví dụ, ta có cặp luận "Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc/ Thương nhà mỏi miệng cái da da". Luận của Bà Huyện đặc biệt độc đáo ở chỗ lấy hiện thực qua tiếng kêu ra rả suốt hè và tích truyện cuốc mất nước rồi thêm chữ "đau lòng" vào đó để tỏ sự xót xa đến cùng cực của nỗi đau mất nước. Cũng như thế Bà Huyện lấy hiện thực qua tiếng kêu riết róng, đứt quãng và lặp đi, lặp lại nhiều lượt của chim đa đa rồi thêm vào đó hai từ "mỏi miệng" để mà bồn chồn day dứt về nỗi nhà. Từ đó toát lên cái tứ nhớ nước, thương nhà gửi gấm trong thơ, khi bà phải rời xa kinh thành, rời xa tổ ấm gia tộc để vào phương Nam xa xôi cách trở. Ví phỏng không có cặp luận này thì cặp kết mở "Dừng chân đứng lại trời non nước / Một mảnh tình riêng ta với ta" có thể nói được gì sau những câu đề, câu thực của bài thơ.
            Cũng trong vấn đề luận, phần đông các tác giả hiện nay sáng tác thơ Đường luật thường kéo tràn thực qua cả cặp câu thứ ba với chủ ý trốn luận, như thế thì bài thơ giống thơ vịnh nhiều hơn. Tuy nhiên bảo trốn luận hoàn toàn thì chưa hẳn, vì nếu xét kỹ ta thấy nhiều bài thơ, cặp thực không chỉ tả cảnh mà còn diễn tả cảm xúc, diễn tả nội tâm, sự chồng chận của cảm xúc, nội tâm trong hai câu sau có tác dụng nhấn mạnh, bật ra chủ ý của tác giả và như thế bài thơ đã có luận. Ví dụ như hai cặp câu hai và ba trong bài Cảm xuân của Nguyễn Hải Bắc trang 14 KMĐT III:

Đào, mai hớn hở cười khoe sắc
Quỳnh, cúc mong chờ nở rộ bông
Phố xá đường ngang người tới chợ
Làng quê bến nước khách sang sông

            Cả bốn câu đều vẽ cảnh xuân, với hai câu trên đã cho thấy xuân vui. Khi có thêm hai câu dưới nói về sự đi lại của người tới chợkhách sang sông cho thấy xuân tươi vui và rộn rã đang tràn ngập  trong lòng tác giả.
            Vài năm gần đây cũng đã có những ý kiến cho rằng luận có thể mở rộng ra tất cả các câu trong bài thơ. Nói một cách khác là trong mỗi câu đều đã có nỗi niềm của tác giả gửi gấm ở trong đó. Những bài thơ như thế quả là rất đáng quý và khá hiếm. Trong tham luận này muốn dẫn ra bài thơ Chạy Tây của cụ Đồ Chiểu làm ví dụ.

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất tổ bày chim dáo dát bay
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh nứa nhuốm màu mây
Nhân tài đất nước rày đâu vắng
Nỡ để dân đen mắc nạn này.

            Cả tám câu đều có nửa đầu tả thực và luận ngay ở nửa sau. Mỗi câu đọc lên đều thấy buồn đến trào nước mắt. Tập hợp toàn bộ lại thấy ngay sự đau xót bởi nỗi giặc dữ đã vào, nước mất, nhà tan, tổ vỡ, người và vật đều tan tác. Càng đau đớn hơn khi bao kẻ ăn lộc nước đều mất tăm hơi .
            Bài thứ hai muốn xin được dẫn là bài Vua phật của Vũ Đăng Nụ trang 146 KMĐT III

Dẹp xong xâm lược đến tu thân
Bỏ chốn ngai vàng tới Trúc Lâm
Mặc áo nhện chăng vào Suối Tắm
Đi giầy cỏ bện xuống Am Vân
Sớm lên Long Động tu thiền định
Chiều lại Hoa Yên trút bụi trần
Chính quả là đây vua hoá phật
Nhân thường vì quả, quả vì nhân.

            Một loạt sự việc được thống kê tưởng như rất dàn trải nhưng trong mỗi câu đã có sự đối lập của vế trước với vế sau. Những việc trái với tự nhiên gây phản cảm làm bật lên sự khác biệt của một nhân cách. Một nhân cách đặc biệt với việc từ bỏ quyền bính, sang trọng, sung sướng, đông vui để đến với đời thường kham khổ, cô đơn, heo hút. Đến khi hai câu kết xuất hiện thì tất cả các câu trong bài càng rực sáng lên.
            Thơ Đường luật của Hải Dương ta đến nay đã có cả ngàn bài, nhiều bài có tứ hay và độc đáo, tuy nhiên để có những bài có luận rõ, luận sắc sảo thì cũng còn hiếm. Đa số các bài thơ đều có dáng dấp của thơ vịnh sau đó gửi vào đó một cái kết giản dị, dễ hiểu, ý tại ngôn từ. Tuy nhiên cũng có không ít bài đã có luận khá sắc sảo và cũng tập trung ở các tác giả có nhiều năm sáng tác và chịu khó học tập.  Chỉ cần đọc lên thấy xao xuyến, vui buồn với thơ thì thế cũng đã tốt lắm rồi.
            Lại nói về đánh giá và chọn thơ hay, nhất là thơ Đường luật có lẽ cũng nên nhằm vào cái cấu trúc cơ bản về luật thơ kết hợp với sự cảm thụ thì chắc chắn sẽ có những bài thơ thật hay, đọng lại trong lòng mọi người như thơ của Bà Huyện Thanh Quan, thơ của Nguyễn Khuyến và đặc biệt là thơ của Hồ Xuân Hương nữ sĩ.



THƠ CỦA THÁNG 10

TƯỚNG CỦA LÒNG DÂN
(Kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Thêm một ngôi sao cháy hết mình
Trên mười thập kỷ sáng lung linh
Chép dòng quốc sử trao con trẻ
Phát lệnh tiến công gửi chiến binh
Đánh Pháp, Pháp hàng lòng vẫn sợ
Đuổi Sam, Sam chạy dạ còn kinh
Lấy văn làm võ, văn thành võ
Tướng của lòng dân mãi trọn tình